TP.HCM: Giải đáp 6 vấn đề trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước

TP.HCM: Giải đáp 6 vấn đề trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước

Chủ trì buổi họp báo có bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở KH&ĐT, bà Phan Thị Hồng – Chi cục trưởng Chi cục Tài chính Doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Thi – Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao (SHTP), ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở TT&TT, Giám đốc Trung Tâm Báo chí TP.HCM. Tham dự có đại diện một số ban – ngành, đơn vị liên quan và các cơ quan báo chí trên địa bàn TP.

Liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước về công tác quản lý ngân sách TP.HCM năm 2017 đã được ban hành, có 6 nội dung chính được đề cập và phản hồi thông tin tại buổi họp báo.

Tổ chức rà soát toàn bộ các khu đất Nhà nước trực tiếp quản lý

Về nội dung "Nhiều khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý hiện các tổ chức, cá nhân đang sử dụng chưa được ký hợp đồng thuê đất, chưa cung cấp thông tin địa chính và lập bộ thu tiền thuê đất theo quy định", Cục Thuế TP cho biết đã tổ chức rà soát toàn bộ các khu đất Nhà nước trực tiếp quản lý hiện các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa lập bộ. Theo đó, cơ quan thuế đã phân loại, mời đơn vị để xác định thông tin nghĩa vụ tài chính đối với các khu đất.

Đối với những hồ sơ của cá nhân và tổ chức đang sử dụng đất đã có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do nhận chuyển nhượng, mua bán thì không thể lập bộ thu tiền thuê đất, được loại khỏi danh sách các khu đất phải lập bộ thu tiền thuê đất.

Và những hồ sơ có thông tin thể hiện trong hồ sơ đã quá cũ (từ năm 1977), có nhiều thay đổi, biến động hoặc không có đầy đủ thông tin pháp lý, Cục Thuế TP đang rà soát, thu thập, xác minh thực tế các thông tin để làm cơ sở xác định. Còn lại các trường hợp rà soát đúng, đơn vị đã tiến hành nộp tiền thuê đất theo quy định.

Về nội dung "Một số dự án sử dụng vốn ngân sách không được trình HĐND TP.HCM xem xét, có ý kiến trước khi phê duyệt danh mục và mức vốn phân bổ", thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kể từ năm 2019, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM phê duyệt danh mục và mức vốn phân bổ cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách theo đúng quy định.

Đối với thông tin "Các cơ quan chức năng của TP đã tham mưu cho UBND TP.HCM chỉ đạo Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV góp vốn bổ sung 33,6 tỉ đồng vào Công ty CP vàng bạc đá quý Bến Thành (BTJ), làm tăng số vốn nhà nước có khả năng bị thất thoát do BTJ tiếp tục kinh doanh thua lỗ", Sở Tài chính cho hay: BTJ đang trong quá trình đầu tư, xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng kinh doanh trang sức mang thương hiệu Precita nên hoạt động kinh doanh lỗ là vấn đề nằm trong dự toán...

Quang cảnh buổi họp báo ( Ảnh: TTBC)

Sở Tài chính cũng cho biết thêm, năm 2018, Tổng Công ty Bến Thành đã chuyển nhượng thành công số quyền mua được phân bổ theo phương thức thỏa thuận với giá chuyển nhượng 300 đồng/quyền mua, lãi thu được (đã trừ chi phí) là 128.741.355 đồng. Việc Tổng Công ty Bến Thành chuyển nhượng toàn bộ quyền mua CP của BTJ có lãi đã chứng minh giá trị cổ phiếu của BTJ có tiềm năng, triển vọng và được các nhà đầu tư đánh giá cao hơn mệnh giá.

Chuyển hồ sơ Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận sang cơ quan điều tra

Về "Trách nhiệm tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận trong quản lý tài chính liên quan đến việc chuyển nhượng 280 nền nhà ở tái định cư tại Khu dân cư Long Hậu từ 2006 - 2011 nhưng chưa ghi nhận doanh thu và kê khai nghĩa vụ với NSNN, chậm ký hợp đồng chuyển nhượng và chậm thanh toán nhiều năm, thỏa thuận nguyên tắc không nêu rõ giá thanh toán phải theo sát giá thị trường" và "Việc thanh toán đủ tiền nhận chuyển nhượng theo giá tạm tính cho 214 nền nhà tái định cư tại Khu định cư số 4 - xã Phong Phú khi chủ đầu tư chưa hoàn thành việc đền bù, xây dựng hạ tầng; việc thỏa thuận chuyển nhượng 50 nền đất ở thương mại tại Khu định cư An Phú Tây, H.Bình Chánh khi chưa có giấy chứng nhận chuyển quyền sử dụng đất; việc thanh toán cho người bán vượt khối lượng phải thanh toán kéo dài nhiều năm chưa được thu hồi", các Sở, ngành, đơn vị liên quan cho biết:

Từ năm 2018, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Thanh tra TP.HCM tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận. Qua kết quả thanh tra, UBND TP.HCM đã chỉ đạo chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có các nội dung nêu trên...

Về nội dung "Một số tập thể, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng đơn giá thuê đất không theo quy định pháp luật, tính thiếu chi phí xây dựng đơn giá thuê trên cơ sở chi phí; ký hợp đồng cho thuê đất đối với Công ty Nidec Seimitsu với giá đất tính tiền thuê đất thấp hơn quy định của UBND TP.HCM và chấp thuận cho Công ty CP Dệt may Sài Gòn thực hiện dự án công viên Thiên Niên Kỷ được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất phục vụ kinh doanh không đúng quy định, Ban quản lý SHTP đã có Công văn số 867/KCNC-XTĐT ngày 31/7/2019 tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM.

Hiện nay, SHTP đang thực hiện rà soát lại hồ sơ dự án và hồ sơ sử dụng đất của dự án Công viên Thiên Niên Kỷ để thực hiện điều chỉnh, xử lý phù hợp theo quy định pháp luật. Đối với trường hợp của Công ty Nidec Seimitsu, Ban quan lý SHTP đang phối hợp với Cục Thuế TP để báo cáo Bộ Tài chính hướng dẫn.

Bên cạnh đó, "Việc cấp phép đầu tư cho các dự án không thuộc đối tượng được đầu tư vào SHTP; bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân trong SHTP không theo quy định tại Nghị định số 99 của Chính phủ và việc vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển TP với nợ vay 1.000 tỉ đồng, trả tiền lãi hơn 591 tỉ đồng", Ban Quản lý SHTP cho hay: Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân có tổng mức đầu tư 3.802 tỷ đồng, ngân sách TP hạn hẹp, phải tập trung nguồn lực cho một số dự án quan trọng, cấp bách khác nên việc vay 1.000 tỷ trong thời điểm này là cần thiết, phù hợp. Đến tháng 9/2015, ngân sách TP đã bố trí đủ vốn để trả hết nợ và lãi cho ngân hàng.

Ngoài ra, liên quan đến việc "22 doanh nghiệp (DN) thuê nhà xưởng, văn phòng làm trụ sở và hoạt động trong SHTP do Sở KH&ĐT TP cấp giấy chứng nhận đăng ký DN nhưng không đáp ứng điều kiện được hoạt động trong SHTP và không thông qua Ban Quản lý", Sở KH&ĐT thông tin: có 15/22 DN đơn vị phụ thuộc của DN có ký hợp đồng với bên cho thuê là Công ty TNHH Sacom - Chíp Sáng, có đăng ký địa chỉ trụ sở trong SHTP và 7 DN có trụ sở ngoài SHTP ký hợp đồng với bên cho thuê là Công ty TNHH Sacom – Chíp sáng, tuy nhiên các DN này sau đó không tiếp tục thuê nữa và không nộp hồ sơ để đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký  DN.

Như vậy, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký DN được thực hiện đúng quy định của Luật DN và các văn bản hướng dẫn hiện hành...

Tại buổi họp báo, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM bày tỏ mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đồng hành, gắn bó và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của TP trên các lĩnh vực thông qua việc phản ánh các thông tin kịp thời, chính xác và đa chiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ