Dự thảo nêu rõ những trường hợp không được dạy thêm gồm: học sinh đã được nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày; học sinh tiểu học trừ các trường hợp: bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống...
Giáo viên được hưởng lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của lãnh đạo trường.
Trong dự thảo, về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, Sở nhấn mạnh không cắt giảm nội dung chính khóa đưa vào dạy thêm, học thêm, không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình chính khóa.
Đối tượng học phải là học sinh có nhu học thêm tự nguyện, được gia đình đồng ý. Không được dùng bất cứ hình thức nào ép buộc gia đình và học sinh học thêm. Học sinh trong cùng lớp dạy thêm, học thêm có học lực tương đương nhau...
Về trách nhiệm, quyết định nêu trách nhiệm của Sở GD&ĐT TPHCM, trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan; trách nhiệm UBMTTQ Việt Nam cùng các hội, đoàn thể thành phố; trách nhiệm của UBND huyện, Phòng GD&ĐT.
Đặc biệt, hiệu trưởng có trách nhiệm giám sát việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm, xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào.
Ngoài ra, hiệu trưởng cũng phải đảm bảo việc lựa chọn giáo viên và môn học theo nguyện vọng của học sinh, chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm. Mỗi lớp học thêm của nhà trường không quá 45 học sinh; Xử lý giáo viên sai phạm quy định về dạy thêm, học thêm.