TP.HCM: Chủ động chuẩn bị các phương án để phòng, chống dịch bệnh Covid-19

TP.HCM: Chủ động chuẩn bị các phương án để phòng, chống dịch bệnh Covid-19

ĐH Quốc gia kiến nghị cho học sinh, sinh viên nghỉ hết tháng 3

Phát biểu tại cuộc họp, PGS -TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, hiện ĐH có hơn 75.000 sinh viên. Riêng KTX của ĐH Quốc gia có hơn 40.000 sinh viên cư trú. Nếu sinh viên đi học lại thì sẽ rất quan ngại vì các em ở các địa phương khác nhau.

Theo đó, PGS -TS Huỳnh Thành Đạt kiến nghị thành phố tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ hết tháng 3 để có sự chuẩn bị, phương án thực hiện thống nhất...

Ngoài ra, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết đơn vị này sẵn sàng nếu thành phố muốn trưng dụng cơ sở vật chất phục vụ phòng, chống dịch khi tình hình diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các cơ sở GD cần phải tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh CoVid-19.

Đảm bảo sức khoẻ của học sinh, sinh viên, giáo viên là ưu tiên hàng đầu

Trao đổi về kiến nghị của PGS -TS Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lý giải thêm về đề xuất cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 3/2020 của TP.
Theo đó, trước chuyển biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, mặc dù tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhưng căn cứ tình hình thế giới, TP phải tính đến phương án chống dịch xấu nhất để chuẩn bị tinh thần cũng như điều kiện kiểm soát. 
Trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 11 của TP.HCM tiếp tục tạm nghỉ học đến hết ngày 15/3 để phòng dịch bệnh
Trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 11 của TP.HCM tiếp tục tạm nghỉ học đến hết ngày 15/3 để phòng dịch bệnh 
Hiện nay, TP có hơn 2.000 trường học, 1,9 triệu học sinh và giáo viên, chưa kể sinh viên, giảng viên các trường ĐH. Có thể thấy 2.000 trường học là 2.000 trung tâm giao lưu với mật độ cao, tính tương tác giữa giáo viên, học sinh và giữa học sinh với nhau rất lớn. Nếu xuất hiện một trường hợp nhiễm bệnh sẽ lây lan rất nhanh. Trong khi đó, ý thức tự bảo vệ sức khỏe và giữ gìn vệ sinh của trẻ em còn hạn chế.
Việc bảo đảm sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên là ưu tiên hàng đầu của TP. Nếu tính đến phương án cho nghỉ học từng tuần sẽ gây nhiều bất tiện cho phụ huynh nên TP muốn có phương án chủ động, tăng tính chủ động các gia đình, phụ huynh sắp xếp sinh hoạt riêng.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có điều chỉnh về khung thời gian năm học và lịch thi THPT quốc gia năm 2020. Trên cơ sở đó, TP phải tính toán lại, nếu nghỉ học đến hết tháng 3 sẽ ảnh hưởng kỳ thi THPT quốc gia của 73.000 học sinh khối 12. Từ thực tế đó, TP đã quyết định cho học sinh khối 12 nghỉ học đến hết ngày 8/3 vì nếu nghỉ dài ngày hơn sẽ không còn thời gian để dạy bù. 
Tuy nhiên, với việc sẽ có hơn 73.000 học sinh và giáo viên khối 12 quay lại trường học từ đầu tuần tới, TP phải tính toán việc cung cấp khẩu trang, trung bình từ 1-2 cái/người/ngày cũng như nước rửa tay cho đội ngũ này.
Ngoài ra, ngành GD-ĐT cũng đặc biệt lưu ý, đối với tất cả học sinh khối 12 trước khi vào lớp phải được kiểm tra về thân nhiệt. Tuyệt đối không để học sinh có những biểu hiện bất thường về thân nhiệt đến trường, để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh tốt nhất. 

Chủ động về nhân lực y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh CoVid-19 

Tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP và các sở ngành phải chủ động thống kê số lượng giường bệnh ở các bệnh viện dã chiến.

Đồng thời tính toán sắp tới lập thêm bệnh viện dã chiến ở Nhà Bè, Cần Giờ và tận dụng thêm các giường bệnh cách ly tại Bệnh viện 175. Ngoài ra, nếu thời gian tới Đại học Quốc gia TP.HCM được nghỉ học thì sẽ tạm mượn ký túc xá để làm nơi cách ly tập trung.

Bệnh viện dã chiến tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh Sở Y tế
Bệnh viện dã chiến tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh Sở Y tế  

Liên quan đến nguồn nhân lực của ngành y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, ngành y tế phải cam kết, tuyệt đối không để các nhân viên y tế làm nhiệm vụ nào bị lây nhiễm bệnh. 

Bởi theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện toàn TP có gần 19.000 bác sĩ, nhưng chỉ có 349 bác sĩ khoa nhiễm, tổng số điều dưỡng khoa nhiễm gần 1.000 người. Trong khi đó, chăm sóc 1 ca bệnh cần 12 người phục vụ.

Vì vậy, ngành y tế TP phải tính toán, hình thành Trung tâm điều hành nhân lực của ngành, song song với việc tập huấn ngắn hạn đội ngũ y bác sĩ ở các khoa khác để có thể hỗ trợ Khoa nhiễm nếu khi có trường hợp xảy ra. Cần nghiên cứu điều phối lực lượng bác sĩ quân y khi cần thiết. 

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP sẽ tham mưu, đề xuất TP gói hỗ trợ từ trang thiết bị bảo hộ, các thiết bị cần thiết để phục vụ cho bệnh viện dã chiến và chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ y bác sĩ thực hiện chăm sóc những người bệnh.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải tính toán đến khả năng cung ứng về khẩu trang y tế phục vụ địa bàn và tính số lượng, nhu cầu ít nhất là 1 quý. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.