Tham dự lễ có Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân TPHCM cùng nhiều tăng ni Phật tử và công chúng.
Cùng dự, lễ cầu siêu còn có thân nhân của các liệt sĩ đã hy sinh cũng như các chiến sĩ bị bắt trong sự kiện đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988: góa phụ Mai Thị Hoa cùng con gái Trần Thị Thủy - vợ con của liệt sĩ Trần Văn Phương (người giữ lá cờ) cùng các chiến sĩ sống sót trong trận Gạc Ma như: Lê Văn Đông, Trần Thiên Phụng, Nguyễn Văn Thống, Trương Văn Hiền, Lê Hữu Thảo…
Đây là lần đầu tiên, tại TPHCM diễn ra lễ cầu siêu dành cho các chiến sĩ đã hy sinh nơi biển đảo xa xôi; cũng là dịp để mọi người hồi tưởng và tri ân sâu sắc đến những chiến sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.
Tại đại lễ tưởng niệm, Ban tổ chức công bố đấu giá bức tranh "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" của họa sĩ Bùi Lệ Trang, với giá khởi điểm là 50 triệu đồng, lên 200 triệu, 730 triệu, 1,1 tỷ đồng và cuối cùng bức tranh đã được ông Lê Viết Hải (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình) mua với giá cao nhất là 1 tỷ 280 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền bán đấu giá được trao tặng 64 gia đình liệt sĩ hải quân hy sinh trong trận hải chiến ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bên cạnh đó, bức tâm thư dài 3 trang viết tay gửi ông Tập Cận Bình – Chủ tịch nước Trung Quốc của cụ Nguyễn Công Nghệ (88 tuổi) được lăn tay bằng máu được ông Dương Anh Sơn (Tổng giám đốc Công ty Mỹ Sơn) mua với giá 300 triệu. Ông Nghệ và Ban tổ chức đã quyết định trao tặng toàn bộ số tiền này cho Cảnh sát Biển Việt Nam.