TP.HCM tìm giải pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con thứ 2

GD&TĐ - Do áp lực cuộc sống và công việc, điều kiện kinh tế, ngày càng nhiều người trẻ có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con. 

Nhiều gia đình ở TP.HCM vẫn ngại sinh con thứ 2 (Ảnh minh họa)
Nhiều gia đình ở TP.HCM vẫn ngại sinh con thứ 2 (Ảnh minh họa)

Tại Hội thảo “Vấn đề mức sinh thấp tại TPHCM: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM vừa tổ chức, ông Nguyễn Hữu Hưng- Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết trong những năm gần đây mức sinh của TP khá thấp. Đây là vấn đề TP rất quan tâm và mong muốn có giải pháp hiệu quả để nâng mức sinh, ít nhất bằng mức sinh thay thế là 2,1.

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ- Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KKHGĐ cũng cho biết thời gian qua, TPHCM đã có nhiều giải pháp thực hiện việc chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển.

Công tác dân số đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2015-2020.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều vấn đề dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng.

Cụ thể là quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng; mức sinh hiện ở mức rất thấp; mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn có thể diễn ra; di cư vẫn diễn ra với cường độ cao; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.Trong đó vấn đề mức sinh thấp đóng vai trò rất quan trọng tác động đến các biến dân số khác theo chiều hướng không tích cực.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan làm mức sinh sẽ tiếp tục giảm trên địa bàn TP.HCM. Đó là do áp lực cuộc sống và công việc, làm xuất hiện tình trang xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng; việc nuôi dạy con cái hiện nay đòi hỏi nhiều chi phí.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh và phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt; tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh có xu hướng gia tăng…

Để giải quyết tình trạng mức sinh thấp và nâng cao chất lượng dân số, Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu UBND trình HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết về chính sách Dân số và Phát triển tại TPHCM giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định một số chính sách cụ thể như: hỗ trợ miễn, giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú tại TP; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con, có hộ khẩu thường trú tại TP; miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ dưới 10 tuổi; tăng cường truyền thông, vận động người dân TP thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình nên sinh đủ hai con”.

Theo kết quả thống kê sơ bộ từ cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở, dân số TPHCM là 8.993.082 người, mật độ dân số 4.363 người/km2, cao nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện nay, tổng tỷ suất sinh của TPHCM năm 2018 là 1,33 con, hiện ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,10 con. Số liệu từ năm 2000 đến 2018 cho thấy, tổng tỷ suất sinh của TP liên tục giảm (từ 1,76 năm 2000 còn 1,33 ở năm 2018), xu hướng khôi phục theo hướng tăng rất ít, năm 2008 (1,63), năm 2013 (1,68).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ