Theo đó, yêu cầu nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên tập trung thực hiện giảng dạy theo Mô hình VNEN.
Việc trang trí lớp, Sở lưu ý cần thực hiện đúng tinh thần VNEN, huy động được sự tham gia, hỗ trợ của cha mẹ học sinh.
Trong đó cần chú ý sơ đồ Hội đồng tự quản trang trí sao cho có thể luân phiên, thay đổi các thành viên trong lớp một cách dễ dàng.
Danh sách các Ban phải có sự thống nhất đề xuất của các em học sinh nhưng tránh một số Ban ( Ban văn nghệ, Ban học tập,…) tập trung học sinh quá đông, một số Ban để trống không có học sinh nào.
Con đường đến trường cần phù hợp với thực tế sao cho các em đều có tên trên sơ đồ, tránh làm hình thức để đối phó.
Hộp thư điều em muốn nói, hộp thư bè bạn cần phát huy tác dụng của các Hộp thư này để qua đó tạo sự gần gũi, thân thiện, nắm bắt thông tin kịp thời của giáo viên với học sinh; giữa học sinh với học sinh.
Các góc công cụ (như góc học tập, góc sáng tạo, góc cộng đồng,…), tránh sử dụng các loại tủ có khóa để bảo vệ. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các em được đến gần, tiếp xúc được với các góc công cụ này.
Khi tổ chức các hoạt động: Hội đồng tự quản chú ý phát huy vai trò và năng lực làm việc của các thành viên trong Hội đồng tự quản và trong các Ban. Giáo viên tránh làm thay học sinh.
Trong khối, giáo viên có thể tổ chức các buổi tham quan học tập về cách làm việc giữa các Hội đồng tự quản ở các lớp, để qua đó giúp các em có thể học tập, rút kinh nghiệm lẫn nhau.
Trong quá trình hoạt động nhóm, vai trò các nhóm trưởng cần phải được phát huy. Trong giai đoạn đầu học sinh mới làm quen với Mô hình VNEN cho nên cần có thời gian và sự hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm để giúp học sinh thấy rõ được vai trò và trách nhiệm của các thành viên trong nhóm.
Khi đánh giá hoạt động của các nhóm, cần có sự thống nhất trong việc đánh giá tiến độ làm việc của các nhóm. Sau khi các nhóm hoàn thành một nhiệm vụ nào đó trong một hoạt động thì sẽ thể hiện bằng biểu tượng (mặt cười).
Khi giáo viên kiểm tra xong một nhiệm vụ nào đó thì thể hiện bằng một bông hoa tiến độ. Sau khi các nhóm đã hoàn thành một nhiệm vụ thì có thể cùng thực hiện nhiệm vụ kế tiếp, không bắt buộc các nhóm phải chờ giáo viên đến kiểm tra việc hoàn thành nhiệm vụ rồi mới qua một nhiệm vụkhác.
Sở cũng đề nghị các trường tổ chức nghiêm túc các buổi họp chuyên môn theo đúng tinh thần văn bản mà Sở GD&ĐT đã chỉ đạo.
Trong quá trình họp chuyên môn, các tổ cần bàn bạc cụ thể các vấn đề khó khăn về bài dạy (cách thực hiện các lệnh trong tài liệu, các nội dung về bài học,…), về các hoạt động tổ chức, các đồ dùng dạy học,… để đi đến thống nhất trong tổ.
Những khó khăn, thắc mắc trong tổ chưa tìm được cách giải quyết đề nghị trao đổi ngay với hiệu phó chuyên môn hoặc báo về Phòng GD&ĐT để được giải đáp kịp thời.