Trong cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid - 19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năng lực xét nghiệm Covid - 19 của nước ta hiện đã tốt hơn nhiều so với trước cả về sản xuất kit thử và máy móc.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất kit thử virus SARS – CoV - 2 trên thế giới để xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh) và xét nghiệm kháng nguyên (PCR) có độ chính xác cao.
Cụ thể, ở trong nước đã sản xuất được 1 loại kit xét nghiệm nhanh không cần dùng máy móc và 1 loại sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến Trung ương đến tận y tế tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác. Tương tự, chúng ta cũng có 2 loại kit xét nghiệm kháng nguyên.
Cả nước hiện có 121 phòng xét nghiệm có năng lực xét nghiệm phát hiện SARS – CoV - 2 bằng kỹ thuật Realtime RT – PCR. Kỹ thuật này rất có giá trị và được Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng vì giúp phát hiện người nhiễm virus ở những giai đoạn rất sớm, ngay cả khi chưa có biểu hiện bệnh.
Ở Đà Nẵng, thời điểm dịch bùng phát, năng lực xét nghiệm Covid – 19 của thành phố chỉ hơn 500 mẫu/ngày, giờ công suất đã tới 10 nghìn mẫu/ngày.
Với những bước tiến đáng kể như vậy, ngành y tế đã có điều kiện để 3 lần điều chỉnh chiến lược xét nghiệm theo hướng mở rộng đối tượng, đẩy nhanh tiến độ. Chiến lược này vừa tạo các vòng ngăn để bảo vệ những người có nguy cơ lây nhiễm cao, vừa nhanh chóng phát hiện trường hợp lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị. Nhờ đó, dịch bệnh ở Đà Nẵng nói riêng và trên cả nước nói chung vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.
Tuy vậy, năng lực xét nghiệm tốt hơn không có nghĩa là đủ cho tất cả nhu cầu. Ngay tại TPHCM hiện còn khoảng 20 nghìn mẫu đang chờ đến lượt xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT – PCR. Thành phố có 13 đơn vị đủ năng lực xét nghiệm khẳng định Covid – 19, đơn vị nhỏ công suất vài chục, vài trăm mẫu, đơn vị lớn công suất 1 đến 2 nghìn mẫu mỗi ngày. Tuy vậy vẫn không thấm vào đâu khi lượng người từ Đà Nẵng về rất đông khiến áp lực xét nghiệm khẳng định Covid – 19 rất lớn (mỗi ngày có khoảng 4 đến 5 nghìn người được lấy mẫu xét nghiệm).
Tương tự, Bộ Y tế mới đây phải "chi viện" cho Hà Nội, bằng việc giao 4 đơn vị xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT – PCR trên 70 nghìn mẫu bệnh phẩm của thành phố. Trước đó, mỗi ngày Hà Nội chỉ xét nghiệm được 500 mẫu bằng phương pháp Realtime RT – PCR, trong khi thành phố có 72 nghìn người từ Đà Nẵng về.
Trong điều kiện như vậy, việc Hà Nội tập trung triển khai test nhanh trên diện rộng ở giai đoạn đầu là có thể hiểu được, dù phương pháp này không có giá trị khẳng định Covid – 19 mà chỉ thể hiện người đó đã từng nhiễm virus này hay chưa. Không chỉ đơn thuần là tâm lý "thà làm một cái gì đó còn hơn không làm gì", việc test nhanh tìm kháng thể trong quần thể dân số nguy cơ – theo các chuyên gia y tế - có giá trị xác định tỷ lệ người từng nhiễm virus này. Qua đó, giúp đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng, giúp các nhà hoạch định chính sách có các biện pháp tổ chức chống dịch phù hợp.
Như đã nói, dù năng lực xét nghiệm của nước ta đã tốt hơn nhưng cũng không thể đủ để thực hiện cho tất cả người dân trong một thời gian ngắn. (Cũng vì thế, Bộ Y tế vừa chính thức chấp nhận việc gộp mẫu xét nghiệm SARS - CoV – 2 và hướng dẫn sử dụng trên cả nước nhằm giảm nhu cầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư, giảm thời gian xét nghiệm mẫu và bảo đảm chất lượng xét nghiệm theo diễn biến tình hình dịch bệnh).
Do đó, trong khi Chính phủ xác định giải pháp chống dịch hiệu quả vẫn là phát hiện sớm, truy vết nhanh, xét nghiệm theo nhóm thì mỗi người dân hãy tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch để cả nước có thể sớm giành chiến thắng.