Tổng thống Trump lại gây bão

GD&TĐ - Tổng thống Donald Trump đang gây sóng gió trên chính trường Mỹ với những bình luận bị coi là phân biệt chủng tộc và bài ngoại nhằm vào 4 nữ nghị sĩ da màu trong Quốc hội. Cuộc tranh cãi giữa hai đảng trong vấn đề này đã khiến chia rẽ đảng phái càng trở nên sâu sắc.

Những phát ngôn của Tổng thống Trump đang khiến dư luận Mỹ dậy sóng
Những phát ngôn của Tổng thống Trump đang khiến dư luận Mỹ dậy sóng

Nghị quyết lên án Tổng thống

Mọi chuyện bắt đầu sau khi ông Trump viết hàng loạt bình luận trên Twitter từ hôm 14/7, chế nhạo “các nữ nghị sĩ Dân chủ tiến bộ tới từ các quốc gia mà chính phủ của họ là một thảm họa toàn diện, lên tiếng dạy đời người Mỹ về cách điều hành chính phủ”.

Ông nói rằng, các nghị sĩ này nên “quay về giúp cải tổ các quốc gia đổ vỡ và tràn ngập tội phạm vốn là gốc gác của họ”. Mặc dù, ông không nêu tên cụ thể, song bối cảnh của những bình luận khiến ai cũng hiểu rằng ông nhằm vào nhóm 4 nữ Hạ nghị sĩ da màu Alexandria Ocasio-Cortez, Ilhan Omar, Ayanna Pressley and Rashida Tlaib. Cả 4 người đều là công dân Mỹ, trong đó có bà Omar sinh ra ở Somalia và nhập tịch Mỹ, 3 người còn lại đều sinh ở Mỹ. Tiếp đó, khi bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc và bài ngoại, ông Trump lại tự biện: “Tôi không có căn cốt phân biệt chủng tộc trong cơ thể”.

Ông Trump bình luận như trên sau khi các nữ nghị sĩ điều trần trước một ủy ban của Hạ viện về điều kiện sống trong các trung tâm tạm giữ người nhập cư mà họ tới thăm. Phe Dân chủ lâu nay chỉ trích mạnh mẽ cách tiếp cận của chính quyền Trump về kiểm soát biên giới, nói rằng chính quyền giam giữ người nhập cư trong điều kiện vô nhân đạo. Sau cuộc điều trần, ông Trump tức giận nói rằng điều kiện tại các trung tâm này đã nhận được “những ý kiến đánh giá tuyệt vời”, rồi viết bình luận chỉ trích vào nhóm nữ nghị sĩ.

Bất bình với Tổng thống, Hạ viện Mỹ hôm 16/7 đã thông qua một nghị quyết lên án “những bình luận phân biệt chủng tộc, hợp pháp hóa nỗi sợ và sự thù ghét của người Mỹ mới và người da màu”. Với số phiếu 240 ủng hộ và 187 phiếu chống, nghị quyết được thông qua chủ yếu dựa trên cơ sở đảng phái. Có 4 nghị sĩ Cộng hòa và một nghị sĩ độc lập tham gia cùng các nghị sĩ Dân chủ để lên án ông Trump.

Cuộc tranh luận về nghị quyết này trong Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát bị phân cực cao độ. Bà Nancy Pelosi, thủ lĩnh Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện, phát biểu trong khán phòng: “Mỗi thành viên của thể chế này, Dân chủ và Cộng hòa, nên tham gia cùng chúng tôi để lên án những dòng tweet đầy tính phân biệt chủng tộc của Tổng thống. Nếu làm ít hơn thế thì đó sẽ là sự khước từ gây sốc với những giá trị của chúng ta, là sự từ bỏ đáng xấu hổ lời thề khi nhậm chức về việc bảo vệ người dân Mỹ”.

Sự chia rẽ hai đảng

Ngay sau khi nghị quyết được thông qua, Hạ nghị sĩ Dân chủ Al Green bang Texas đã đệ trình các bài viết về việc luận tội chống lại ông Trump. Các nhà lãnh đạo Dân chủ từ chối theo đuổi việc luận tội mặc dù càng lúc càng có nhiều thành viên Dân chủ kêu gọi lãnh đạo đảng hãy làm vậy.

Theo các nhà quan sát, lãnh đạo Hạ viện Pelosi đã nhanh chóng chớp được cơ hội vừa hạ thấp uy tín của ông Trump, vừa hàn gắn những chia rẽ trong chính đảng Dân chủ của bà. Nhưng ngược lại, bà Pelosi lại bị phe Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng bà đã đi quá xa khi phát ngôn và vi phạm các quy tắc khi tranh luận trong phòng họp.

Nghị quyết của phe Dân chủ nói trên chỉ có giá trị như một tuyên ngôn chứ không có tính ràng buộc về pháp lý, song việc thông qua một nghị quyết chỉ trích hành vi của Tổng thống là điều rất hiếm. Phe Cộng hòa cáo buộc bà Pelosi vi phạm các quy định của Quốc hội nói rằng việc mô tả một tổng thống có phát biểu mang tính phân biệt chủng tộc là không thích hợp. Để bảo vệ ông Trump, phe Cộng hòa đưa ra một cuộc bỏ phiếu khác yêu cầu các phát biểu của bà Pelosi không nên được ghi vào tư liệu chính thức của Hạ viện.

Sự chia rẽ trong Quốc hội vẫn còn tiếp tục sau khi ông Trump lại tấn công phe Dân chủ. Ông nói rằng, chính đảng Dân chủ đang lâm vào “sự cay đắng và thù ghét”, rằng chính nhóm nữ nghị sĩ nói trên đã có những phát biểu gây thù ghét chưa từng có trong Hạ viện hay Thượng viện và được đảng Dân chủ ủng hộ. Các nghị sĩ Cộng hòa từ chối lên án Tổng thống, để nhằm mũi dùi vào phe Dân chủ, nói rằng vấn đề ông Trump đưa ra không phải là chủng tộc mà là về hệ tư tưởng, và chính các nữ nghị sĩ da màu mới là người “chống lại nước Mỹ”.

Cuộc tranh cãi giữa hai đảng một lần nữa cho thấy sự chia rẽ sâu sắc ở nước Mỹ dưới thời Trump về chính trị bản sắc, và ông Trump một lần nữa đã sẵn sàng biến vấn đề sắc tộc thành một thứ vũ khí để gây nên sự bất bình của những người ủng hộ ông nhằm vào đối thủ - tờ Guardian của Anh bình luận. Một cuộc thăm dò ý kiến sau các dòng Tweet của ông cho thấy, sự ủng hộ dành cho ông đã tăng 5% ở những người Cộng hòa, trong khi tỷ lệ ủng hộ đó giảm đi từ phía những cử tri Dân chủ và độc lập.

BBC cho rằng, ông đã sử dụng những ngôn ngữ vượt xa phạm vi thông thường trong phát biểu của một tổng thống, và rõ ràng ông làm điều đó vì mục đích chính trị. Một số nghị sĩ Cộng hòa cũng tỏ ra bất bình về phát biểu của ông Trump nhưng từ chối lên án ông là “phân biệt chủng tộc” - rõ ràng họ không muốn phe Cộng hòa bị chia rẽ khi cuộc bầu cử Tổng thống 2020 đang ở trước mặt, và ông Trump đã tỏ rõ ý muốn sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ hai, và đảng Cộng hòa chưa xuất hiện ứng cử viên nào mạnh hơn ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.