Hãng tin RT cho biết, ông Putin giải thích rằng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm do các nước phương Tây chế biến là vì lợi ích của người tiêu dùng, khi các mặt hàng chất lượng cao với giá rẻ đang ngày càng được ưa chuộng.
Nga sẵn sàng cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản của các nước Châu Âu.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp của Nga đang đạt mức rất cao kể từ sau khi quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đi xuống. Sau khi lệnh cấm vận nhằm vào Nga được áp dụng từ năm 2014, Nga đã ra quyết định cấm nhập về các mặt hàng thực phẩm từ một số quốc gia phương Tây.
“Chúng tôi đã thực hiện mọi chiến lược một cách có trách nhiệm và thực tế đã tận dụng những quyết định thiển cận của phương Tây một cách tối đa”, ông Putin cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng các biện pháp của Nga cũng là nhằm bảo vệ thị trường nội địa.
Vào tháng 6, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh kéo dài cấm vận kinh tế đối với một vài mặt hàng của phương Tây cho đến cuối năm 2017. Lệnh cấm này được áp dụng cho một số sản phẩm nông nghiệp, vật liệu thô và thực phẩm từ các quốc gia ủng hộ lệnh cấm vận kinh tees đối với Nga, sau khi EU có dấu hiệu sẽ tiếp tục kéo dài lệnh trừng phạt Nga.
Một số quan chức phương Tây đã phản đối việc áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế với Nga và cảnh báo rằng chính các nước châu Âu mới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ động thái này. Trong khi nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại một số quốc gia châu Âu, một vài chính trị gia EU đang ngày càng tỏ ra nghi ngại về tính hiệu quả của lệnh cấm vận.
Ý là một trong những quốc gia châu Âu đã nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận nhất, do lo sợ những tổn hại đối với nền kinh tế của nước này. Tuần trước, Nghị sĩ Ý Paola Carinelli cho biết đất nước “đã mất 7,4 tỉ USD kể từ khi lệnh trừng phạt được áp dụng” và hàng ngàn người đã bị mất việc.