Tổng thống Mỹ cảnh báo về một thế giới khắc nghiệt hơn

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới thủ đô Berlin của Đức trong hôm 18-11 với dự định sẽ tìm cách trấn an một trong những đồng minh vững chắc nhất của mình, Thủ tướng Angela Merkel, trong bối cảnh châu Âu đang hứng chịu nhiều cuộc khủng hoảng.

Tổng thống Mỹ cảnh báo về một thế giới khắc nghiệt hơn
Tong thong My canh bao ve mot the gioi khac nghiet hon - Anh 1

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel
trong cuộc gặp hôm 18/11. (Nguồn: CNN).

Trong bài phát biểu tại Berlin, Tổng thống Obama đã đưa ra cảnh báo về sự thay đổi trật tự toàn cầu, điều mà ông cho là sẽ dẫn tới “một thế giới khắc nghiệt hơn, rắc rối hơn và tồi tệ hơn” nếu không chấm dứt.

“Nếu chúng ta không có một khối đồng minh xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ, chúng ta sẽ để lại một thế giới tồi tệ hơn cho con cháu chúng ta” - ông Obama nói - “Chúng ta sẽ thụt lùi thay vì tiến lên. Vậy nên dù bất cứ ai là Tổng thống Mỹ, ai là Thủ tướng Đức, chúng ta đều phải nhớ điều này”.

Trong chuyến công du châu Âu lần này, ông Obama đã khẳng định rõ quan điểm coi trọng khối đồng minh NATO, khẳng định rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết sẽ giữ vững cam kết phòng thủ tập thể đối với khối liên minh quân sự này. Ông cũng thể hiện sự lạc quan rằng ông Trump sẽ đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn sau khi nhậm chức.

Tuy nhiên, trong chuyến công du cuối cùng, ông Obama đưa ra nhiều cảnh báo về làn sóng chính trị chủ nghĩa dân tộc đang lan rộng ở Mỹ và châu Âu, đồng thời quan ngại về tình trạng thông tin dễ bị rò rỉ trong thời đại công nghệ số ngày nay.

“Trong thời đại mạng xã hội như hiện nay, rất nhiều người nhận được thông tin từ điện thoại của họ, và nếu không phân biệt được đâu là các tranh luận nghiêm túc, đâu là chương trình tuyên truyền, chúng ta sẽ gặp vấn đề” - ông Obama nói.

Tổng thống Mỹ cũng đưa ra một lời cảnh báo với ông Trump về cách đối phó với Nga, đặc biệt là về các vấn đề như Ukraine và Syria.

“Tôi không kỳ vọng Tổng thống đắc cử sẽ tiếp tục chính xác hướng tiếp cận trước đây của chúng tôi, nhưng tôi hy vọng rằng ông ấy sẽ không đề xuất cắt một số thỏa thuận với Nga, thậm chí nó có thể gây tổn hại cho người dân hoặc vi phạm luật pháp quốc tế, khiến các nước nhỏ hơn bị ảnh hưởng” - ông Obama nói.

Đây là chuyến thăm cuối cùng của ông Obama với tư cách Tổng thống Mỹ tới Berlin, thành phố nơi mà ông lần đầu tiên tự giới thiệu mình trước thế giới năm 2008, nhưng nay lại đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi liên quan tới tương lai của các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tiến trình tự do.

Ông Obama đã dành phần lớn thời gian thảo luận với bà Merkel, đối tác thân cận nhất của ông và cũng là vị lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu, trong bối cảnh châu lục này đang tìm cách ứng phó với chính quyền Donald Trump.

Về phần mình, bà Merkel đã thể hiện sự lạc quan về Tổng thống đắc cử Donald Trump, người từng ra mặt chỉ trích bà trước đây. Bà cũng hoan nghênh ông Obama vì đã dọn đường cho quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, và khẳng định rằng bà sẽ rất “cởi mở” với ông Trump.

Trong lúc mà các đối tác của bà Merkel ở châu Âu cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về mặt chính trị ở trong nước, bà đóng một vai trò quan trọng trong các mối quan hệ bên kia bờ Đại Tây Dương, lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ ông Obama vì nỗ lực trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, các lệnh trừng phạt Nga cũng như quá trình cải cách kinh tế.

Thủ tướng Merkel đến nay chưa từng tuyên bố rằng bà sẽ tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ tư, tuy nhiên các đồng minh chính trị của bà đã đánh tín hiệu rằng bà sẽ làm như vậy. Cũng giống như các nhà lãnh đạo Pháp, Anh, Mỹ và nhiều nơi khác, bà đang phải đối diện với nhiều thách thức từ các chính trị gia cựu hữu, những người đang nhận được sự ủng hộ gia tăng nhờ tuyên truyền về chủ nghĩa dân túy.

Trở lại nước Đức lần này, Tổng thống Obama đã cảm nhận được môi trường chính trị đã thay đổi rõ nét kể từ khi ông lần đầu tiên đến đây với tư cách ứng viên Tổng thống hồi năm 2008. Lúc bấy giờ, đám đông 200.000 người đã tụ họp ở trung tâm thành phố để nghe một vị Thượng nghĩ sỹ trẻ tuổi nói về sự cần thiết của các mối quan hệ đa phương sau một thời kỳ đầy căng thẳng dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Trong bài phát biểu năm đó, ông Obama đã lên tiếng ca ngợi các xã hội cởi mở và đa dạng.

“Bức tường ngăn giữa chủng tộc và bộ lạc, người nhập cư và người bản địa, người Công giáo và người Hồi giáo cũng như người Do Thái không thể đứng vững” - ông Obama nói - “Đó là những bức tường mà chúng ta cần phá bỏ”.

Giờ đây, khi người kế nhiệm ông đã lên kế hoạch xây dựng bức tường ngăn giữa Mỹ và Mexico, những lời nói của ông Obama dường như chỉ còn là dĩ vãng. Trong lúc luôn kiên định với những giá trị tự do, cởi mở của xã hội, ông Obama cũng ngày càng hiểu rõ hơn tốc độ và phạm vi của sự thay đổi đang diễn ra.

Theo Đại Đoàn Kết

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ