Tổng thống Bolivia từ chức: Ra đi để trở lại?

GD&TĐ - Tổng thống Bolivia, ông Evo Morales, người lãnh đạo đất nước trong gần 14 năm, tuyên bố từ chức vào Chủ nhật vừa qua. Quân đội buộc ông phải thực hiện điều này vì lo lắng về các cuộc biểu tình kéo dài ba tuần sau khi công bố kết quả cuộc bầu cử Tổng thống, khi đối thủ chính của Evo Morales là Carlos Mesa không thừa nhận thất bại.

Tổng thống Bolivia Evo Morales. 	Ảnh: Reuters
Tổng thống Bolivia Evo Morales. Ảnh: Reuters

Quyết định từ chức của ông Evo Morales và một số cộng sự đã tạo ra khoảng trống chính trị chưa từng có ở Bolivia. Một số nước Mỹ Latinh gọi đây là một cuộc đảo chính và tin rằng, Evo Morales không rời khỏi Bolivia, ông sẽ trở lại chính trường.

Biến động lớn ở Bolivia

Bolivia đã xảy ra biến động lớn. Sau khi cảnh sát đầu hàng phe phản đối vào ngày 9/11, ngày hôm sau (10/11), Tổng thống Evo Morales tuyên bố tổ chức các cuộc bầu cử mới. Điều này xảy ra sau khi Tổ chức các quốc gia Nam Mỹ (OAS) không công nhận kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 20/10 mà Evo Morales là người chiến thắng.

Họ đã phát hiện ra có sự thao túng và khuyến nghị bỏ phiếu lần thứ hai. Đồng thời, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Bolivia, Williams Kaliman, tuyên bố rằng quân đội sẽ không tham gia vào việc đàn áp các cuộc biểu tình. Ngay sau đó, Evo Morales cùng với Phó Tổng thống Alvaro Garcia Linera, Chủ tịch Thượng viện Adrian Salvierrara và hơn 10 quan chức cấp cao khác đồng loạt tuyên bố từ chức.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngay sau đó, Tổng thống Evo Morales tuyên bố rằng, ông là nạn nhân của một vụ đảo chính, rằng ông buộc phải từ chức để tránh một cuộc đổ máu không cần thiết.

Ông Evo Morales cũng khẳng định, Chính phủ của ông đã làm hết sức mình vì một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, vì tiến bộ xã hội ở Bolivia… Chia sẻ với ông Evo Morales, Phó Tổng thống Alvaro Garcia Linera cũng tuyên bố từ chức, nhưng cam kết sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh vì tương lai tươi sáng của đất nước.

Ông Janine Agnes - Phó Chủ tịch thứ hai của Thượng viện, thành viên của đảng đối lập Thống nhất Dân chủ đã đồng ý tiếp quản chức vụ Tổng thống Bolivia. Trước đó, vào ngày 11/11, thủ lĩnh biểu tình Luis Fernando Camacho tuyên bố đã có lệnh bắt giữ ông Evo Morales, nhưng cảnh sát trưởng Yuri Calderon xác nhận chỉ có lệnh bắt giữ các thành viên của Tòa án Bầu cử Tối cao.

Thế giới nói gì về việc ông Evo Morales từ chức?

Các nhà lãnh đạo cánh tả Mỹ Latinh như: Argentina, Venezuela, Nicaragua, Cuba và Mexico có đánh giá tiêu cực về việc ông Evo Morales từ chức. Những nước này đều khẳng định sự kiện vừa diễn ra ở Bolivia là một cuộc đảo chính.

Thậm chí, họ còn đề nghị cấp cho ông Evo Morales chế độ tị nạn chính trị. Trên Twitter của mình, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez khẳng định tinh thần đoàn kết với Tổng thống Evo Morales và nhấn mạnh rằng ông là một “biểu tượng cho quyền của người dân bản địa ở châu Mỹ”.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, sự kiện ở Bolivia đã phát triển theo mô hình của cuộc đảo chính và kêu gọi các lực lượng chính trị của nước này tìm một lối thoát hợp pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.

Ông D. Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin khẳng định, Điện Kremlin mong muốn giải quyết tình hình ở Bolivia trên cơ sở luật pháp và không có sự can thiệp của các nước thứ ba. Trong khi đó, The Wall Street Journal nhận định, với sự ra đi của ông Evo Morales, Mỹ Latinh đã mất một nhân vật nổi bật trong phong trào chống Mỹ.

Bình luận về việc từ chức của ông Evo Morales, The Washington Post viết: “Cuối cùng, nhà xã hội chủ nghĩa 60 tuổi đã bị cô lập. Người đứng đầu lực lượng vũ trang và cảnh sát kêu gọi ông Evo Morales từ chức, và liên minh công đoàn lớn nhất cũng kêu gọi ông ra đi. Điều này giúp cứu đất nước thoát khỏi sự sụp đổ nhanh chóng trước sức mạnh của đám đông”.

Tờ Der Spiegel (Hamburg, Đức) nhận định: “Sự từ chức của Tổng thống cánh tả Evo Morales, dưới áp lực của quân đội, đã khiến Bolivia rơi vào một cuộc khủng hoảng về thể chế và chính trị. Giữa các đối thủ của ông Evo Morales, chủ yếu là từ tầng lớp trung lưu và các phong trào xã hội ủng hộ ông ta, một hố sâu không thể vượt qua đã mở ra ...”.

Tờ Sueddeutsche Zeitung (Munich, Đức) cho rằng: “Là Tổng thống của Bolivia, Evo Morales đã làm rất nhiều điều đúng đắn... Nhưng, thật không may, ông tin rằng, nếu không có ông, hệ thống sẽ không hoạt động… Hầu hết, người dân Bolivia sẽ nhớ Morales là một trong số ít tổng thống tốt của họ…”.

Tờ iberation (Paris, Pháp) khẳng định: “Có lẽ, đây là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng ở Bolivia sau cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 20/10. Trước thông báo bất ngờ này, Bolivia dường như rơi vào tình trạng vô vọng ...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ