Tổng quan kinh tế - xã hội 2011 và dự báo 2012

Tổng quan kinh tế - xã hội 2011 và dự báo 2012

Năm 2011, GDP bình quân đầu người ước đạt 1200 USD/năm, tăng 2,7% so năm 2010 (1168 USD) là khởi sắc đáng ghi nhận. Tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt 674.500 tỷ đồng, bằng 103,6% dự toán năm và tăng 21,1% so với năm 2010. Các khoản thu chủ yếu đều vượt dự toán và tăng khá so năm 2010, trong đó thu nội địa, bằng 104% dự toán; thu từ dầu thô bằng 130,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 105,2%, thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước bằng 103,2%; thuế thu nhập cá nhân bằng 113,5%.

Bức tranh
Bức tranh kinh tế năm 2012 sẽ có khoảng sáng, tối (ảnh MH)

Năm 2011 tình hình kinh tế- xã hội nước ta phát triển trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Đầu năm, giá các hàng hóa và vật tư chủ yếu trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng tăng. Một số nền kinh tế lớn mặc dù vừa phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng vẫn đang tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và bất ổn. Tình trạng vỡ nợ công ở Hy Lạp và một số nước khu vực đồng Euro, bất ổn ở Bắc Phi, Trung Đông đã tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam ở các mức độ khác nhau. Ở trong nước, lạm phát tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, một số vấn đề xã hội còn nhiều bất cập... Nhận thức đầy đủ bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp, và các địa phương triển khai thực hiện. Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã phát huy tác dụng tích cực.

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, trong năm qua, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, điều hành sản xuất kinh doanh, đảm bảo ổn định an sinh xã hội... Nhờ đó tình hình kinh tế-xã hội cả nước năm 2011 đã có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận, tuy hạn chế, bất cập vẫn còn nhiều.

1. Tổng quan năm 2011

Những khởi sắc đáng ghi nhận

Về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 ước tăng 6% so với năm 2010, theo xu hướng quý sau cao hơn quý trước: quý I tăng 5,43%; quý II tăng 5,67%; quý III tăng 6,11% và quý IV ước tăng 6,13%. Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng khá: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,08%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,49%, khu vực dịch vụ tăng 6,12%.

Tuy tốc độ tăng GDP năm nay thấp hơn năm 2010 (6,78%) nhưng vẫn cao hơn năm 2009 (tăng 5,32%) là kết quả quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều nước chậm lại (GDP Trung Quốc 2011 tăng 9% so với 10,3% năm 2010).

GDP bình quân đầu người 2011 ước đạt 1200 USD/năm, tăng 2,7% so năm 2010 (1168 USD) là khởi sắc đáng ghi nhận.

Tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt 674.500 tỷ đồng, bằng 103,6% dự toán năm và tăng 21,1% so với năm 2010. Các khoản thu chủ yếu đều vượt dự toán và tăng khá so năm 2010, trong đó thu nội địa, bằng 104% dự toán; thu từ dầu thô bằng 130,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 105,2%, thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước bằng 103,2%; thuế thu nhập cá nhân bằng 113,5%;

Trong bối cảnh các khoản thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm theo cam kết WTO, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân giảm đáng kể, kết quả thu ngân sách vượt dự toán và tăng so năm 2010 thật có ý nghĩa.

Tổng chi ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển tăng khá. Chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể đạt dự toán năm; chi trả nợ và viện trợ bằng 100,4%. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 ước bằng 4,9%GDP thấp hơn mức 5,3%GDP theo dự toán.

Sản xuất nông nghiệp được mùa lớn. Giá trị sản xuất toàn ngành ước tăng 4,1%, trong đó, nông nghiệp tăng 4,0%, lâm nghiệp tăng 3,4% và thủy sản tăng 5,3%.

Sản lượng lương thực có hạt đạt 46,9 triệu tấn, tăng 2,5 triệu tấn so với năm 2010, là mức cao nhất từ trước đến nay (cả lúa và ngô đều đạt mức cao về sản lượng). Sản lượng lúa cả năm đạt 42,32 triệu tấn, tăng trên 2,3 triệu tấn so năm 2010 và là mức kỷ lục trong 25 năm đổi mới... Diện tích gieo trồng lúa đạt 7489,4 nghìn ha, tăng 162 nghìn ha (+2,2%), năng suất đạt 55,3 tạ/ha tăng 1,9 tạ/ha (+3,6%). Nét mới của năm 2011 là sản lượng lúa của tất cả các vùng, đều tăng với tốc độ khá cao, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng nhiều nhất 1,59 triệu tấn (+7,4%), vùng Bắc Trung bộ có tốc độ tăng cao nhất 7,9% so năm 2010. Năng suất lúa 2 vùng trọng điểm lúa đều tăng cao: vùng đồng bằng sông Hồng tăng 4,1%, vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng 3,6% và sản lượng lúa tăng đều cả 3 vụ: đông xuân, hè thu và mùa.

Sản lượng một số cây hàng năm, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả đều tăng khá. Sản lượng chè búp tăng 6,8%; cà phê, tăng 6,6%; cao su tăng 6,1%, tiêu tăng 3%...

Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển theo mô hình gia trại và trang trại nên năng suất và sản lượng sản phẩm đạt cao hơn năm 2010. Tính đến 1-10-2011, đàn gia cầm cả nước đạt 322 triệu con, tăng 7,4 % so với 1-10-2010. Sản lượng thịt và trứng gia cầm tăng khá.

Diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng đạt 1192 nghìn ha, tăng 1,2%. Diện tích rừng được chăm sóc đạt 448,6 nghìn ha, tăng 1,6%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 176,2 triệu cây, tăng 0,3%. so năm 2010.

Sản lượng thuỷ sản ước đạt 5.526 nghìn tấn, tăng 7,8% so với năm 2010. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 2.903 nghìn tấn, tăng 7,2%, do các địa phương thực hiện chuyển đổi và mở rộng diện tích nuôi theo hướng đa canh, đa con kết hợp, hướng vào thị trường nội địa và xuất khẩu. Đáng chú ý là nuôi thủy sản nước mặn bằng hình thức lồng, bè năm 2011 phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương. Sản lượng thuỷ sản khai thác ước đạt 2.603 nghìn tấn, tăng 8,2% so với năm trước. Thủy sản khai thác biển tăng chủ yếu nhờ tác động tích cực của chính sách của Nhà nước hỗ trợ ngư dân mua và đóng mới tàu công suất lớn, làm tăng năng lực và thời gian khai thác.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2011 đạt trên 25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo 7,2 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn, thủy sản đạt trên 6 tỷ USD, tăng 23%, cà phê 2,8 tỷ USD, tăng 53% so năm 2010.

Với những kết quả trên đây, nông nghiệp xứng đáng là một điểm sáng của kinh tế nước ta năm 2011, là điểm tựa vững chắc để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Trong công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2011 tăng 6,9% so với năm trước, bao gồm: công nghiệp chế biến tăng 9,8%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 9,6%. Một số ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất tăng cao là: sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 86%; sản xuất đường tăng 42,4%; lắp ráp mô tô, xe máy tăng 19,9%; xay xát, sản xuất bột thô tăng 19,5%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 15,4%; … Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2011 tăng 15,7% so với năm 2010. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: sản xuất xe có động cơ tăng 105,2%, sản xuất đồ gốm sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ xây dựng) tăng 91,4%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 47,2%; sản xuất đường tăng 36,8%; sản xuất gạch, ngói và gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 34,9%; lắp ráp mô tô, xe máy tăng 18,1%. Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 đã có bước chuyển tích cực giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến.

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt trên 14 tỷ USD, bao gồm: vốn đăng ký mới trên 11 tỷ USD; vốn đăng ký bổ sung 3 tỷ USD. Nét mới của năm 2011 là tỷ trọng vốn FDI thực hiện năm nay đạt 10,5 tỷ USD, chiếm 75% vốn đăng ký mới, cao hơn các năm trước, (năm 2010 đạt 55%, năm 2009 đạt 43%)... Trong các ngành kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đăng ký lớn nhất với 6240,1 triệu USD, bao gồm 4560,3 triệu USD vốn đăng ký mới và 1679,8 triệu USD vốn tăng thêm; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2526,8 triệu USD.

Về xuất khẩu: vượt xa kế hoạch và tăng 33% so năm 2010. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 96 tỷ USD mức cao nhất từ trước tới nay, vượt xa so với kế hoạch (80 tỷ USD) và tăng 24 tỷ USD (33%) so năm 2010... nâng kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người cả năm vượt qua mốc 1.083 USD, cao hơn nhiều so với mức 831 USD đã đạt được vào năm 2010. Tỷ lệ xuất khẩu/GDP vượt qua mốc 80%, cao hơn tỷ lệ đã đạt được năm 2010 (70,9%).

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 33%, có ý nghĩa quan trọng xét về 3 mặt: cao nhất tính từ năm 1997 đến nay; cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra (10%), đã trở thành động lực và là điểm sáng thứ 2 sau nông nghiệp của tăng trưởng kinh tế năm nay. Đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 4 mặt hàng so với năm 2010; trong đó có 12 mặt hàng đạt trên 2 tỷ USD, có 8 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (đứng đầu là dệt may, tiếp đến là dầu thô, giày dép, thủy sản, điện tử, máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo). Theo Tổng cục Hải quan, ngoài các mặt hàng trên còn có 2 mặt hàng khác nằm trong “Câu lạc bộ” 1 tỷ USD trở lên là điện thoại các loại và linh kiện, tơ sợi dệt các loại.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 106,1 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2010. Nhập siêu giảm cả về kim ngạch và tỷ lệ nhập siêu so năm 2010.

Khách quốc tế đến nước ta năm 2011 ước tính đạt 5.730,6 nghìn lượt người, tăng 15,9% so với năm 2010, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 3.521,9 nghìn lượt người, tăng 13%; thăm thân nhân đạt 889,6 nghìn lượt người, tăng 71%.

Về xã hội: Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, năm 2011 các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều Chương trình phát triển xã hội với quy mô, phạm vi và hình thức thích hợp, có hiệu quả. Một mặt, ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chương trình và chính sách hiện có, trọng tâm là hỗ trợ xoá đói giảm nghèo; tạo việc làm với đào tạo nghề; trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khó khăn và khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ nhân dân tham gia hệ thống bảo hiểm và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Mặt khác, Chính phủ đã ban hành mới nhiều chế độ, chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, theo hướng tăng mức hỗ trợ và mở rộng diện thụ hưởng nhằm giúp người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn.

Chi ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội cả năm khoảng 84 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2010. Dư nợ tín dụng ưu đãi thực hiện chính sách xã hội đến 31-12-2011 là 104,5 nghìn tỷ đồng tăng 17% so với năm 2010. Ngoài ra, đã xuất dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, chủ yếu ở vùng bị thiên tai hơn 62 nghìn tấn gạo và xuất cấp các vật tư, thiết bị khoảng 574 tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo 2011 giảm 1,5% so năm 2010. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao chính sách xóa đói giảm nghèo của Việt Nam hiện nay. Số hộ thiếu đói năm 2011 có 609,6 và 2.563 nghìn khẩu giảm 18,6% số hộ và 12,0% về khẩu so với năm 2010. Ngoài trợ cấp của Nhà nước, năm 2011, các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và người dân cũng đã hỗ trợ các hộ thiếu đói khoảng 17 nghìn tấn lương thực và trên 9,9 tỷ đồng. Các địa phương đã hỗ trợ 395/496 nghìn hộ nghèo xây nhà ở, cơ bản hoàn thành Chương trình trong năm 2011, trước thời hạn 1 năm. Trong chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập lũ tại đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2, đến cuối 2011 đã hoàn thành công tác tôn nền, đắp bờ bao của 105/178 dự án, hoàn thành xây dựng 1.770 căn nhà, bố trí cho hơn 8.350 hộ dân vào ở trong cụm tuyến. Kết thúc giai đoạn xây dựng của 54/94 dự án phát triển nhà sinh viên, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011 và đầu năm 2012, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 200 nghìn sinh viên.

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã tăng từ gần 60% năm 2010 lên 62% năm 2011, có hơn 15 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và khoảng 7 triệu trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT, khám chữa bệnh miễn phí.

Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường tăng gần 1%, 57/63 địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 63/63 địa phương đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Tỷ lệ người lớn biết chữ tăng lên khoảng 94%. Tốt nghiệp THPT năm học 2010 - 2011 đạt 95,72%. Năm 2011, tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 11,6%, trung cấp chuyên nghiệp tăng 10,8%, tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 40%. Cả năm 2011, đã tạo việc làm mới cho 1,56 triệu lao động.

Sau gần 4 năm thực hiện Đề án kiên cố hóa trường học, đến 2011 đã có 84.294 phòng học kiên cố được xây dựng, trong đó có 67.784 phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng; có 22.792 nhà công vụ giáo viên được xây dựng, trong đó 19.057 nhà đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao tiếp tục phát triển. Năm 2011ä, tập trung tuyên truyền về các sự kiện chính trị xã hội quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp; tuyên truyền về thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia;

Những hạn chế, bất cập

Về kinh tế: Chất lượng tăng trưởng chưa vững và chưa đều. Trong công nghiệp, một số ngành sản xuất vẫn nặng về gia công chế biến như dệt may, lắp ráp điện tử, máy tính, đồ gỗ .. nên hiệu quả kinh tế thấp, lại phụ thuộc vào thị trường và giá cả nguyên liệu nhập ngoại. Chỉ số tồn kho của các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến toàn ngành đến 1-12-2011 tăng 21,5% so năm 2010. Chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm dần, từ tăng 9,7% tháng 6 xuống tăng 7,8% tháng 9 và 6,9% tháng 12.

Trong sản xuất lương thực, sản lượng lúa tăng chủ yếu vẫn do tăng lúa vụ 3 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy sản lượng lúa tăng cao nhưng chất lượng lúa gạo lại chưa tăng tương ứng. Lúa chất lượng cao chiếm tỷ trọng nhỏ và giảm dần, trong khi lúa chất lượng trung bình và thấp chiếm tỷ trọng lớn và tăng dần. Số lượng đầu con gia súc năm 2011 giảm so với cùng kỳ năm 2010, đàn lợn giảm 0,9%, đàn bò giảm 3,1%. Lâm nghiệp và thuỷ sản tuy khởi sắc nhưng không vững. Diện tích rừng trồng tập trung không đạt kế hoạch. Sản lượng cá tra nuôi cả năm tăng chậm (+4%) do giá thức ăn tăng cao .

Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến thua lỗ hoặc phá sản. Theo Tổng Cục thuế, từ đầu năm đến 20-12-2011, cả nước có gần 49.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, chờ phá sản (tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó Hà Nội có 3.000 doanh nghiệp, TP.Hồ Chí Minh trên 1.600 doanh nghiệp.

Nợ công tăng, năm 2011 là 58,7% GDP so với 56,6% GDP năm 2010 và 47,5%GDP năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng đầu tư công trong khi đó nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, chậm tiến độ. Sự lo ngại về nợ công lên trên 57% GDP năm 2011 đã trở thành hiện hữu

Về xuất khẩu, tính gia công xuất khẩu vẫn còn rất lớn thể hiện rõ qua tỷ trọng kim ngạch những mặt hàng là nguyên liệu thô khai thác (dầu thô, than đá,...); những mặt hàng chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế (nông, lâm, thuỷ sản); những mặt hàng chế biến nhưng mang nặng tính gia công (như dệt may, giày dép,...), đó là những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp.

Giá tiêu dùng tăng cao: Tuy CPI các tháng cuối năm có xu hướng giảm dần nhưng tính chung cả năm, chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng 18% so với tháng 12-2010 là mức cao so với năm 2010 (+11,75%), năm 2009 (+6,52%). Lạm phát cao đã tác động xấu đối với sản xuất và đời sống sống dân cư.

Về xã hội: Tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm ở cả khu vực nông thôn và thành thị tăng so năm 2010. Văn hoá, xã hội còn nhiều mặt bức xúc. Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi. Ùn tắc và tai nạn giao thông còn nghiêm trọng, số người chết và bị thương tăng so với năm trước; khiếu kiện đông người, đình công xảy ra ở nhiều nơi; tội phạm và tệ nạn xã hội chưa giảm.

Tai nạn giao thông tăng, bình quân 1 ngày của năm 2011 đã xảy ra 36 vụ, làm chết 31 người, bị thương 28 người. Tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 thành phố: Hồ Chí Minh và Hà Nội diễn ra trên diện rộng và gay gắt hơn năm 2010 nhưng chưa có biện pháp hạn chế.

Môi trường sinh thái tiếp tục bị ô nhiễm nặng nhưng chậm được khắc phục. Hầu hết các chỉ tiêu về môi trường, khắc phục ô nhiễm năm 2011 đều không đạt kế hoạch. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm hiệu quả chưa cao. Tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra. Trong năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 98 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4,6 nghìn trường hợp bị ngộ độc, tăng 600 người so năm 2010, trong đó 16 người tử vong.

Tình hình trên có nguyên nhân khách quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Những yếu kém nội tại của nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư kém hiệu quả tích tụ từ nhiều năm, chậm được khắc phục. Những hạn chế, bất cập trong lãnh đạo, quản lý, nhất là trong quản lý, điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, trong quản lý đầu tư công, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài nguyên và trong chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc chưa được khắc phục có hiệu quả.

2. Dự báo năm 2012

Năm 2012, dự báo tình hình kinh tế-xã hội nước ta phát triển trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen nhau.

Về khó khăn: Kinh tế thế giới và khu vực vẫn phục hồi chậm, nhất là các nước EU, Mỹ, Trung Quốc.. là những thị trường lớn của nước ta. Khu vực Trung Đông, Bắc Phi vẫn chưa ổn định nên khả năng ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa và lao động nước ta tiếp tục gặp khó khăn. Ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi. Giá cả thị trường năm 2011 cao, tỷ giá ngoại tệ, vàng vẫn biến động và phụ thuộc lớn vào thị trường thé giới, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, chứng khoán giảm.

Về thuận lợi: Sự hồi phục của nền kinh tế có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ tác động tích cực đến kinh tế- xã hội Việt Nam. Thị trường xuất khẩu đã mở rộng trong những năm gần đây nên khả năng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước ta là rất khả quan. Vốn FDI thực hiện, ODA, và kiều hối năm 2011 khá lớn. (trên 26 tỷ USD). Ở trong nước, nguồn lực năm 2011 tạo ra về vốn, cơ sở hạ tầng, nhân lực và kinh nghiệm tích luỹ của 25 năm đổi mới là những yếu tố thuận lợi, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2012. Cùng với nguồn lực vật chất, động lực tinh thần do Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, sau một năm thực hiện (2011) đã chứng minh tính đúng đắn và khả năng đi vào cuộc sống khá cao, sẽ là động lực tinh thần, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân vào đường lối và các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước. Đối với các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ, thực tế năm 2011 đã rút ra nhiều bài học trong lựa chọn các phương án đầu tư năm 2012 phù hợp với điều kiện từng ngành, từng lĩnh vực. Sự đồng thuận cao trong xã hội, trước hết là giữa nhà nước với nhân dân, nhà nước với doanh nhân chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và tăng trưởng hợp lý. Kinh tế tăng trưởng sẽ là cơ sở vững chắc để các chương trình, dự án an sinh xã hội phát triển và tăng tốc. Dự báo triển vọng kinh tế-xã hội nước ta năm 2012 sẽ phát triển toàn diện theo hướng bền vững, tăng trưởng hợp lý, hiệu quả hơn năm 2011. Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội do Quốc hội khoá XIII thông qua, có nhiều khả năng trở thành hiện thực.

Căn cứ vào kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2011 và triển vọng bối cảnh đất nước năm 2012, dự báo khả năng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2012 như sau:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt: 5,8%-6,0%.

- CPI tăng 9,0%- 11,0%.

- Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng 3,5%- 3,7%.

- Sản lượng lương thực có hạt. đạt 48,5- 49,0 triệu tấn, tăng 3,4%- 4,48% so năm 2011, trong đó lúa 44,0- 44,5 triệu tấn.

- Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,9%-7,1%.

- Vốn FDI đăng ký mới đạt từ 14-16 tỷ USD.

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 108- 110 tỷ USD, tăng 12,5% -14,5%

- Nhập siêu chiếm 11%-12% kim ngạch xuất khẩu.

- Thâm hụt ngân sách chiếm 4,9%-5,0% GDP.

- Nợ công chiếm 58,5%-60% GDP.

- Tạo việc làm mới 1,5-1,6 triệu lao động.

- Tỷ lệ thất nghiệp 4,5%-5,0%.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,4%- 1,6% so năm 2011.

Các giải pháp: Để các dự báo trên có thể trở thành hiện thực, cần thực hiện một hệ thống các giải pháp đồng bộ và khả thi: Trên cơ sở các giải pháp của Chính phủ đã trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, đề nghị bổ sung một số giải pháp chủ yếu dưới đây:

- Tập trung nguồn lực để thực hiện bằng đươc mục tiêu hàng đầu của năm 2012 là kiềm chế lạm phát.

- Tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ như năm 2011, chủ động điều hành linh hoạt lãi suất theo hướng giảm dần lãi suất cho vay đối với các đối tượng chính sách, nông nghiệp, nông thôn, kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhất là tín dụng bất động sản, phi sản xuất, ổn định tỷ giá ngoại tệ, vàng.

- Phát triển mạnh các ngành sản xuất, kinh doanh theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Giảm mạnh đầu tư công, không đầu tư cho các công trình lớn mới chưa thật cần thiết. Chuyển mạnh đầu tư theo hướng ưu tiên vốn ngân sách cho các ngành, các lĩnh vực thiết yếu để tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, các Chương trình mục tiêu Quốc gia (nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục mầm non..). Đối với các công trình xây dựng cơ bản, ưu tiên đầu tư cho các công trình sắp hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2012, các công trình thiết yếu của quốc gia.

- Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu, tăng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp tục tìm kiếm thị trường mới để tăng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời giảm mạnh nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, không thiết yếu, thực hiện chính sách người Việt dùng hàng Việt.

- Thực hiện tốt hơn các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm cải thiện đời sống dân cư, nhất là các đối tượng chính sách, các vùng nghèo, hộ nghèo và người làm công ăn lương.

- Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tiết kiệm, trước mắt giảm 10% kinh phí khu vực hành chính sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước, thực hành chống tham ô lãng phí, phô trương hình thức trong lễ, Tết, giảm mạnh hội, họp của các ngành, các cấp.

PGS. TS. Nguyễn Sinh Cúc (TCTG)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.