Tổng kết Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã

GD&TĐ - Ngày 29/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự Hội nghị tổng kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo trong cả nước.

Nhiều tri thức trẻ đã giúp dân thoát nghèo với nhiều sáng kiến trong trồng trọt và chăn nuôi. Ảnh: báo Dân trí
Nhiều tri thức trẻ đã giúp dân thoát nghèo với nhiều sáng kiến trong trồng trọt và chăn nuôi. Ảnh: báo Dân trí

Cơ hội để trí thức trẻ rèn luyện, trải nghiệm

 Hiện còn gần 40% trí thức trẻ dự án bố trí làm công chức chuyên môn cấp xã, một số trí thức trẻ chưa thực sự chủ động trong việc tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền, thiếu kinh nghiệm trong xử lý công việc, chưa mạnh dạn, thẳng thắn góp ý trong hoạt động của UBND xã và cũng có 2 trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao sự cống hiến, nhiệt huyết và dấn thân phục vụ nhân dân, cống hiến cho đất nước của gần 600 trí thức trẻ ưu tú đã xung phong về các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa thuộc 64 huyện nghèo nhất cả nước trong suốt 5 năm qua.

Dự án này đã tạo ra cơ hội để trí thức trẻ có môi trường rèn luyện, trải nghiệm, phấn đấu và trưởng thành, góp phần trẻ hoá và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, hình thành đội ngũ trẻ năng động, sáng tạo, gương mẫu, chủ động, tích cực, trăn trở cùng cấp uỷ, chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém như nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của trí thức trẻ, chưa quan tâm đúng mức, tạo điều kiện cho trí thức trẻ thực hiện nhiệm vụ, chưa coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương, chưa tin tưởng mạnh dạn giao việc và bố trí họ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Đến nay, việc thực hiện dự án đã kết thúc, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Bộ Nội vụ cần có đánh giá và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tới đây.

Theo đó, việc bố trí cán bộ trí thức trẻ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn địa phương. Mỗi địa phương khác nhau có đặc điểm riêng như thế mạnh, tiềm năng, khó khăn khác nhau, nên có kế hoạch phát triển khác nhau và cán bộ khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Tới đây, dự án kết thúc, nhưng các địa phương cần tiếp tục có chính sách thu hút trí thức trẻ về cống hiến.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị

Trí thức trẻ cần tự tin để làm việc

 Lãnh đạo các địa phương cần tin tưởng, bố trí công việc, theo dõi kèm cặp, mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm để các trí thức trẻ giải được bài toán đầu ra cho các trí thức trẻ, nhất là 148 trí thức trẻ hiện nay chưa được bố trí biên chế công chức.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các địa phương phải tạo nguồn cán bộ thật tốt. Đó phải là trí thức trẻ có tâm huyết, nhiệt tình cống hiến, hoài bão, hăng hái thực hiện lý tưởng, chứ không phải chỉ là những người hết nhiệm vụ rồi đi.

“Trí thức trẻ cần tự tin để làm việc, lãnh đạo cần tin tưởng để giao nhiệm vụ, quá trình làm việc sẽ từng bước rèn luyện, rút kinh nghiệm từ thực tiễn thì sẽ trở thành cán bộ tốt, cán bộ giỏi”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, khi lựa chọn cán bộ rồi thì cần bồi dưỡng, trang bị kỹ năng về điều hành cuộc họp, dân vận, tiếp cận bà con, kiến thức về kinh tế-xã hội, văn hoá phong tục cần thiết để trí thức trẻ có thể phát huy được trong môi trường công tác, hoà nhập tốt với địa phương, cộng đồng dân cư, hiểu biết thấu đáo các vấn đề của địa phương để tham mưu, điều hành công việc ở địa phương.

Bộ Nội vụ cần giao cho Học viện Hành chính Quốc gia nghiên cứu chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trí thức trẻ làm việc tại các địa phương sao cho sát thực tế cuộc sống để phát huy tốt nhất khi về cơ sở. Các sáng kiến của trí thức trẻ phải được trân trọng, tổ chức thực hiện nếu có tính khả thi trong cuộc sống.

Hiện nay đã có Thông báo số 06 của Bộ Chính trị nêu rõ: Ưu tiên biên chế cho số trí thức trẻ này, nếu hết thì giải quyết theo công thức “hai người ra, một người vào” biên chế như quy định. Nếu vẫn không còn biên chế thì tỉnh cần đề xuất để Trung ương xem xét, giải quyết.

Giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, ban hành chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác tại các vùng khó khăn để bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới, đột phá trong công tác cán bộ.

Đối với các đội viên trí thức trẻ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị cần luôn gương mẫu, đi đầu trong công việc, chấp hành tốt sự phân công của cấp có thẩm quyền, nâng cao bản lĩnh chính trị, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để xây dựng hình ảnh người cán bộ trẻ, xứng đáng là đội viên tình nguyện, xây dựng phong cách của người cán bộ trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân, không ngừng nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, giáo dục thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ