- Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Nguyễn Ngọc Thiện báo cáo với Đoàn công tác một số kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị; 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Trong đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực tập trung xây dựng TP Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương khi có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm (từ 2011 - 2013) đạt trên 10%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 37 nghìn tỷ đồng; thu Ngân sách Nhà nước tăng 12,1%/năm (năm 2013 thu gần 5.000 tỷ đồng)...
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “5 năm vừa qua, trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước nhưng Thừa Thiên - Huế đã phát huy truyền thống cách mạng để nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả tương đối toàn diện.
Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo tuyệt đối; các lĩnh vực văn hóa, du lịch, y tế và giáo dục cũng không ngừng phát triển... Đây là điều đáng khích lệ”.
Để sớm đưa TP Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương trong năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm tìm ra các giải pháp, tháo gỡ những khó khăn trước mắt.
Đồng thời, tăng cường nhân lực và vật lực; kiện toàn hệ thống chính trị, chống tham nhũng và liên kết với các địa phương để sớm hoàn thành các kế hoạch mà Bộ Chính trị đề ra.
Sáng cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đến thăm và làm việc tại xã Hồng Hạ (huyện miền núi, biên giới A Lưới).
Tại xã Hồng Hạ, nhiều người dân đã đi bộ từ các bản làng xa xôi trong rừng núi đến để mong gặp Tổng Bí thư. Hồng Hạ là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện, tỉnh. Toàn xã có 386 hộ với 1.632 nhân khẩu sống ở 5 thôn bản.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo huyện A Lưới, xã Hồng Hạ. Tổng Bí thư quan tâm và dành nhiều câu hỏi tìm hiểu những kinh nghiệm trong công tác xóa đói giảm nghèo của xã Hồng Hạ. Ngoài trồng rừng kinh tế, xã đã huy động những nguồn lực như thế nào để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt khác.
Băn khoăn về tính bền vững trong xóa đói giảm nghèo, Tổng Bí thư đề nghị lãnh đạo xã báo cáo thêm để nắm bắt công tác xây dựng các mô hình kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư yêu cầu Đảng ủy xã làm rõ thêm kết quả của các đợt kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên sai phạm.
Báo cáo làm rõ thêm, lãnh đạo huyện A Lưới cho rằng với chỉ khoảng 1.000 ha nông nghiệp nhưng lại thiếu tính bền vững nên lãnh đạo huyện A Lưới tập trung vào lâm nghiệp, tận dụng các diện tích đất trống, đồi trọc để phát triển kinh tế rừng.
Tuy vậy, rừng kinh tế vẫn còn nhiều bất cập khiến tính hiệu quả không cao. Với cây cao su, hiện nay đang có kế hoạch đặt nhà máy sơ chế tại xã Hồng Hạ, tuy nhiên do diện tích chưa đủ lớn nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Trước những trao đổi thân tình, cởi mở của Tổng Bí thư, cán bộ, nhân dân xã Hồng Hạ kiến nghị Trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng cho xã một ngôi nhà Rông (nhà truyền thống văn hóa) để cán bộ, đảng viên và nhân dân có nơi sinh hoạt, để giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào.
Xã Hồng Hạ cũng kiến nghị xin một cây cầu bắc qua sông Ưng Hong cho 59 hộ dân tái định cư đang bị cách trở.
Sau hội ý nhanh với lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh nhà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hồng Hạ rất thực tế, tha thiết và cũng thiết thực, mong các Bộ, ngành và tỉnh quan tâm giúp bà con”.