Tôn trọng quyền tự chủ trong tuyển sinh

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2019 đang đến gần, hứa hẹn những tín hiệu tích cực. Năm nay, các trường ĐH đã bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh khác nhằm tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn. Đặc biệt, các quy định rõ ràng về tuyển thẳng hay ưu tiên xét tuyển cũng là cơ hội để các trường và thí sinh gặp nhau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhớ lại mùa tuyển sinh năm 2018, dư luận khá hài lòng về tính khoa học, khách quan và công bằng đối với thí sinh và các trường ĐH. Đó là một mùa tuyển sinh không có những xáo trộn và biến cố bất ngờ.

Có thể nói, công tác tuyển sinh đã và đang được Bộ GD&ĐT triển khai theo hướng mở, bám sát tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Việc hoàn thiện quy chế, quy trình và các giải pháp về kỹ thuật phần mềm trong công tác tuyển sinh đã giúp các trường “lọc ảo” khá tốt, từ đó tuyển đúng và trúng đối tượng cần tuyển; còn thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn được ngành học, trường học phù hợp nhất với mình.

Kế thừa và phát huy kết quả của mùa tuyển sinh năm 2018, năm nay, các trường được tự xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định các điều kiện tuyển sinh và tham gia các nhóm tuyển sinh hoặc tuyển sinh độc lập. Qua đó, vẫn bảo đảm quyền tự chủ của các trường ĐH trong công tác tuyển sinh.

Nhiều trường đã lập phương án tuyển sinh riêng và “chiêu sinh” thí sinh bằng nhiều hình thức như: Tuyển những thí sinh đạt học sinh giỏi 3 năm THPT hoặc học sinh giỏi của các trường THPT chuyên... Đáng chú ý, có trường công bố hàng nghìn thí sinh trúng tuyển theo diện “tuyển thẳng”. Thông tin này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội.

Ở một góc độ nào đó, thì xu hướng hiện nay là, các trường ĐH đang thực hiện phương châm: Dễ vào nhưng khó ra. Tức là tạo điều kiện, cơ hội cho thí sinh được tiếp cận với GDĐH và được học ĐH nhưng chất lượng sẽ được kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên ra trường và sẽ siết chặt đầu ra để bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên gọi là tuyển thẳng một cách tùy tiện vì dễ gây hiểu nhầm rằng tuyển thẳng ồ ạt, dễ dãi. Tuyển thẳng chỉ được áp dụng cho những đối tượng được Bộ GD&ĐT quy định trong Quy chế tuyển sinh; còn đối với các trường hợp khác nên chăng gọi là: Ưu tiên xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp... bởi thực chất đây là vấn đề nội bộ, là phương án tuyển sinh theo đề án riêng của nhà trường. Do đó, không nên đánh đồng giữa cái chung với cái riêng.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh được tuyển thẳng vào các trường ĐH phải thuộc diện đối tượng được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy chế “Tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo GV hệ chính quy”, Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Cụ thể: Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, trong đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế đã tốt nghiệp THPT thì được xét tuyển thẳng vào ĐH theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi của thí sinh. Hoặc thí sinh đã tốt nghiệp THPT là thành viên đội tuyển quốc gia, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu trong các giải quốc tế chính thức.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là tôn trọng quyền tự chủ của các trường. Vì thế, dù là hình thức tuyển sinh nào đi chăng nữa, bởi khi các trường được tự chủ trong tuyển sinh thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước xã hội và trách nhiệm với uy tín của trường mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.