Tôi với Giáo dục và Thời đại: Những ngày đầu “áp dụng công nghệ” ở báo Chủ nhật

GD&TĐ - Thời kỳ đầu làm việc ở Báo Giáo dục & Thời đại, tôi tham gia viết bài cho đặc san ra hằng tháng. Đặc san có tên gọi theo từng tháng xuất bản, đó là Đặc san Tháng Giêng, Đặc san Tháng Hai, Đặc san Tháng Ba…Đặc san xuất bản được khoảng chục số thì dừng, chuyển thành Báo Chủ nhật do chị Đào Khương - Phó Tổng biên tập “cầm trịch”.

Tôi với Giáo dục và Thời đại: Những ngày đầu “áp dụng công nghệ” ở báo Chủ nhật

Lúc bấy giờ, trụ sở của Báo ở 14 Lê Trực (Hà Nội), rất chật chội. Báo Chủ nhật “của chị Khương” ra được mấy số thì tòa soạn lệnh cho chuyển bộ phận làm báo Chủ nhật đến địa điểm mới là 29B Ngô Quyền. Đây là khu nhà do Văn phòng Bộ GD&ĐT quản lý, Ban Biên tập báo xin được “ở nhờ” trong mấy phòng.

Tôi cùng một số anh chị em phóng viên, họa sĩ, nhân viên kỹ thuật được điều động đến 29B Ngô Quyền để làm báo Chủ nhật. Lúc đầu chị Khương vẫn kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban và Thư ký toà soạn, nhưng sau vài tháng thì tòa soạn bổ nhiệm anh Trần Đăng Thao làm trưởng ban. Tôi được phân công làm Thư ký tòa soạn.

Lúc bấy giờ việc in báo đều phải dựa vào Nhà in Nhân dân. Tin, bài được đánh máy chữ ở tòa soạn rồi chuyển bản đánh máy sang nhà in. Tại đây, nhân viên đánh máy nhà in “gõ” lại trên máy tính, in ra bản can rồi đưa bình bản.

Bộ phận làm báo chủ nhật bàn nhau tìm cách “hiện đại hóa” khâu bình bản. Tôi gặp Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Chụ, đề xuất Tòa soạn mua cho Ban Chủ nhật một chiếc máy tính để “gõ” bài, sau đó ghi file word lên đĩa mềm chuyển sang nhà in.

Đề xuất thế thôi nhưng anh chị em không hi vọng nhiều vì máy tính khi ấy rất đắt. Hơn nữa, trong cơ quan cũng có ý kiến nói rằng, trang bị máy tính là không hiệu quả kinh tế bằng việc cứ tiếp tục đưa bản thảo sang nhà in như cũ. Nào ngờ khoảng 10 ngày sau, Tòa soạn trang bị cho Ban Chủ nhật một chiếc máy tính Compaq, một máy scan ảnh và một máy in.

Có dàn máy tính “xịn”, chúng tôi không chỉ “gõ” bài mà còn bàn nhau dần dần đảm đương cả việc dàn trang. Nhằm mục đích ấy, tôi đề xuất mời thầy về dạy cách sử dụng phần mềm dàn trang QuarkXpress và phần mềm xử lý ảnh Photoshop cho nhân viên kỹ thuật và họa sĩ.

Mỗi tuần học 2 buổi tại địa chỉ 29B Ngô Quyền. Cần nói thêm là lúc ấy chương trình QuarkXpress và Photoshop là những thứ rất lạ lẫm đối với dân làm báo. Tài liệu hỗ trợ không có (lúc ấy cũng chưa có Internet), chúng tôi được thầy giáo (nhân viên kỹ thuật của Báo Nông thôn ngày nay) cung cấp cho bản tài liệu photo về hướng dẫn sử dụng QuarkXpress 3.1.

Kiên nhẫn học hỏi, cuối cùng Ban chủ nhật đã tự dàn trang, ra được bản can chứa text. Khâu bình bản vẫn phải nhờ Nhà in Nhân dân. Tuy nhiên, chúng tôi lại “tiến thêm một bước nữa”, đó là đề xuất được mua bàn bình để thực hiện bình bản ngay tại 29B Ngô Quyền.

Lần này đề xuất nhanh chóng được chấp nhận. Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Chụ còn nói, cứ để Ban Chủ nhật thử nghiệm bình bản, nếu có hiệu quả sẽ mở rộng ra cả tòa soạn.

Bàn bình bản là một cái bàn vuông (kích thước mặt bàn khoảng 1,5m x 1,5 m), có ngăn lắp đèn nê ông. Mặt bàn có tấm kính mờ để đặt các bản bình. Lúc mua bàn về, anh chị em trong Ban vui quá, cứ bàn luận mãi.

Giai đoạn đầu, hàng tuần, Nhà in Nhân dân còn cử 3 kỹ thuật viên sang giúp chúng tôi bình bản. Sau đó Tòa soạn tuyển nhân viên kỹ thuật, các anh chị bèn “chuyển giao công nghệ” để Ban Chủ nhật tự tổ chức bình bản…

Bây giờ, công nghệ in đã thay đổi. Báo chí không cần bình bản như trước nữa. Tuy vậy, thỉnh thoảng trong lúc “trà dư tửu hậu”, chúng tôi vẫn bồi hồi nhớ lại thuở ban đầu “ứng dụng công nghệ” ở Ban Chủ nhật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...