"Tôi tin Tôi có thể" - nơi chia sẻ, giao lưu của thanh niên cộng đồng dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Sáng ngày 01/6, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm Thanh niên. Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện của Festival “Tôi Tin Tôi Có thể 2018: Tri thức bản địa – Mạch sinh nguồn sống”.

Các nhóm cùng thảo luận
Các nhóm cùng thảo luận

Sự kiện do chính các đại diện của các cộng đồng người dân tộc thiểu số: mạng lưới Tiên Phong, mạng lưới về tri thức bản địa VTIK và Nhóm hành động vì sự phát triển của người Mông AHD tổ chức và thể hiện.

Tại buổi Tọa đàm Thanh niên đã thu hút gần 100 thanh niên đến từ cộng đồng người Mông, Nùng, Dao, Mường, Vân Kiều..., hiện họ đang sinh sống và làm việc tại Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kan, Lai Châu, Quảng Trị, Hà Nội cùng gặp gỡ, giao lưu và trao đổi về các chủ đề các bạn quan tâm: Thanh niên với việc làm; Con gái không được đi học; Kết hôn sớm; Thanh niên với tệ nạn xã hội; Thanh niên với việc sử dụng Internet.

Nhóm Thanh niên với việc làm cho rằng, việc làm với thanh niên ở các vùng sâu, vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống hiện nay đang thiếu việc làm nghiêm trọng. Vì thế có nhiều bạn phải đi làm xa, hoặc ra nước ngoài lao động. Do không có trình độ, năng lực nên nhiều bạn bị lừa mất hết tiền bạc, công sức. Sau nhiều năm trở về địa phương không có tiền để lo cuộc sống và làm kinh tế tại địa phương.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Các bạn mong muốn sau khi tốt nghiệp phổ thông được học nghề và có việc làm ổn định, kiếm được tiền nuôi bản thân và gia đình; Nếu làm kinh tế tại địa phương, mong chính quyền có giải pháp liên kết với các nhà cung ứng, bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho thanh niên tại địa phương...

Nhóm "Con gái không được đi học", mong muốn được bố mẹ đối xử công bằng như con trai trong nhà; Các em được đến trường, được học cao để sau này có việc làm ổn đình, cuộc sống chủ động, đủ đầy hơn...

Nhóm: "Kết hôn trẻ em": Nhóm này đã nêu lên thực trạng tảo hôn tại địa phương và mong muốn chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền để ngăn chặn nạn tảo hôn cho các em và người nhà của các em hiểu để nạn tảo hôn giảm xuống, cuộc sống của nhân dân trong bản văn minh hơn, kinh tế ổn định hơn.

Nhóm "Tệ nạn xã hội" đã nêu lên tình trạng nghiện ma túy, cờ bạc... tại địa phương, một phần do thiếu nhận thức và thiếu việc làm... Nhóm này mong muốn, thanh niên tại địa phương có được việc làm ổn định; Thường xuyên được tham gia các buổi sinh hoạt, tuyên truyền về việc phòng chống tệ nạn xã hội để thanh niên hiểu và biết cách phòng tránh.

Nhóm "Thanh niên sử dụng mạng Internet" đã đưa ra phân tích về những lợi ích và mặt trái của mạng xã hội cho các bạn thanh niên hiểu. Cuối cùng nhóm đã đưa ra lời khuyên khi sử dụng Internet hiệu quả: sử dụng để học tập, tra cứu, kết nối...; Không sử dụng Internet vào những mục đích xấu hay chơi game, chat chít mất thời gian, hại sức khỏe.

Thông qua các ý kiến của các bạn trẻ, buổi tọa đàm đã đưa ra thông điệp với thanh niên nói chung và thanh niên tại các vùng dân tộc ở vùng sâu, xa nói riêng rằng: Thanh niên hãy tự tin vào bản thân. Có hoài bão, mơ ước các bạn sẽ tìm thấy một việc làm tốt, cuộc sống hạnh phúc, ấm no – một cuộc sống có chất lượng.

Với mục đích tôn vinh giá trị của đa dạng văn hóa, thúc đẩy sự tôn trọng, thấu hiểu và đoàn kết giữa các dân tộc, Festival “Tôi Tin Tôi Có Thể/ Tri thức bản địa – Mạch sinh nguồn sống” sẽ hướng tới việc tôn vinh các giá trị tri thức bản địa và khả năng tự học hỏi và tạo ra tri thức của cộng đồng các dân tôc ít người thông qua kết quả: trưng bày, tọa đàm, đồng nghiên cứu của nhiều nhóm cộng đồng và biểu diễn các tiết mục nghệ thuật, nghi lễ truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ