Vợ chồng tôi kết hôn được 7 năm, có với nhau một cô con gái. Hai vợ chồng cùng là công chức nhà nước, ở quê với đồng lương như thế là sống khỏe, sống ổn nhưng thú thực tôi chưa bao giờ được sống thoải mái kể từ khi kết hôn đến giờ. Tất cả là do chồng tôi quá tiết kiệm, nếu không muốn nói là kẹt xỉ quá đáng.
Chồng tôi tiết kiệm từng giọt nước mắm nói chẳng ngoa. Bữa ăn nào thừa chút nước mắm, anh cũng dặn vợ cất đi, bữa sau ăn tiếp. Có lần tôi đổ đi, bữa sau rót ra bát mới, chồng đã hỏi thế bát cũ đâu. Tôi bảo đổ đi rồi, chồng hậm hực, làm không ra, mỗi thứ phải tiết kiệm một tý, chứ cứ hoang như tôi thì làm bao giờ mới lại, miệng ăn núi lở. Suốt bữa cơm, chồng cằn nhằn chỉ vì bát nước mắm thừa.
Chồng tôi đàn ông nhưng lại quản tiền chợ búa. Mỗi ngày anh đưa tôi năm chục để chi tiêu tiền thức ăn thức uống, hôm nào gạo hết hoặc nhà có giỗ chạp, công việc gì thì anh đưa hơn. Nhưng tôi về phải kê khai đầy đủ cho anh, thâm hụt đồng nào thì tôi khổ với anh đồng đấy.
Ảnh minh họa
Ở gia đình tôi, không bao giờ có chuyện tặng quà hay đi du lịch, anh nói những thứ đấy vô bổ, phung phí. Ở nhà cho khỏe, mà vợ chồng rồi, quà cáp gì cho mệt.
Tôi chả mấy khi được mua sắm gì, mua cái quần cái áo chồng cũng để ý, nói ăn chơi, có chồng còn ăn diện mà đi đong giai à. Rồi anh lườm nguýt, nói thực, mặc đẹp cũng chẳng yên. Ở cơ quan, tôi luôn là người giản dị nhất, cái quần cái áo, may mặc mấy năm, đến khi bạc phơ bạc phếch mới dám bỏ.
Có lần đi liên hoan cơ quan tôi, mang theo cả vợ chồng. Đi ăn ở nhà hàng, đồ ăn thừa cũng chả còn gì mấy, toàn thứ linh tinh. Khi mọi người chuẩn bị đứng lên, anh gọi phục vụ xin hộp xốp, rồi trút toàn bộ vào bảo mang về cho đỡ phí. Cả công ty nhìn tôi với ánh mắt ngỡ ngàng, còn tôi thì xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu. Sau hôm ấy đi làm, ai thấy tôi cũng cười cười.
Tuy anh ấy chỉ tiết kiệm tiền để gửi tiết kiệm, không hoang phí nhưng tôi cũng không thể chịu được nữa. Niềm vui trong cuộc sống của tôi vì những chuyện mắm muối đó mà héo úa. Tình yêu, sự kính trọng chồng cũng vì thế mà thui chột. Gần đây, khi thấy chồng, tôi cảm thấy càng ngày càng “ngứa mắt”, khinh ghét.
Vì chồng mà bao phen tôi xấu hổ, chán chường.
Cuộc sống của gia đình tôi không có niềm vui, không có sự hưởng thụ. Nụ cười trên mặt các con tôi cũng thưa vắng dần. Cũng may chúng còn nhỏ, chưa biết đòi hỏi. Nhưng khi lớn lên, liệu chúng có hiểu được, có chấp nhận cuộc sống tiết kiệm đến mức kiệt quệ này? Tôi phải làm gì để chồng tôi hiểu được sự tiết kiệm đến ti tiện của anh ấy đang giết chết niềm vui của gia đình, khiến vợ con ngạt thở?