(GD&TĐ) - “Mỗi lần nhắc lại quá khứ lỗi lầm, tôi rất buồn, nhưng tôi vẫn mạnh dạn kể ra, để mọi người thấy đó làm bài học, tránh đi vào vết xe đổ như tôi. Đừng vì một phút ham chơi mà đánh mất bản thân và trượt dài xuống dốc. Song tôi cũng mong muốn là mọi người và cộng đồng xã hội hãy tha thứ những lỗi lầm mà tôi đã mắc phải để tôi có thể bắt đầu lại từ đầu ngay sau khi cai nghiện thành công”. Đó là lời chia sẻ rất đỗi chân thành của anh Đoàn Quy Sơn, một học viên đang thực hiện cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 06 thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Đoàn quy Sơn (người thứ 3 từ phải qua) cùng với cán bộ, học viên Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 06 đang nghiên cứu, tìm hiểu một số tài liều liên quan đến ma túy |
Những ngày đầu tháng 8, mưa to tầm tã trên miền quê của huyện Sóc Sơn – Nơi mà Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 06 đứng chân. Những cơn mưa giăng mắc khắp nơi, trong căn phòng bé nhỏ của mình, bất giác Sơn thấy nao lòng và không dấu nổi nỗi buồn về một quá khứ đầy bóng tối.
Giọng anh run run, khi kể cho chúng tôi nghe về một quá khứ đau buồn, để giờ đây anh vô cùng ân hận và day dứt khôn nguôi. Anh kể lại cho chúng tôi mà nước mắt cứ chảy dài xuống đôi gò má đen sạm: năm nay 33 tuổi, cả nhà thường trú ở Cầu Giấy, Hà Nội. Từng là một đứa con ngoan, học giỏi của gia đình, được bố mẹ cưng chiều. Với bản chất chăm chỉ, thông minh Sơn đã thi đỗ vào trường Học viện Tài chính, sau này ra trường anh được làm kiểm toán cho một cơ quan Nhà nước – Một công việc mà có biết bao sinh viên ngành tài chính kế toán mơ ước có được.
Thế nhưng, cuộc sống có ai học được chữ ngờ. Sơn bị bạn bè xấu rủ rê, hút thuốc lá, do không làm chủ được bản thân và cũng không nghe lời khuyên của bố mẹ, người thân. “Cứ thế từ những cuộc ăn chơi, đua đòi đã khiến tôi trượt dài xuống dốc và tôi đã bị nghiện ma túy từ bao giờ mà chính mình cũng không hề hay biết”. Sơn nói.
Trầm ngâm một lúc, rồi Sơn bộc bạch tiếp, ngày biết anh bị nghiện ma túy, mẹ anh đã không tin nổi, bởi trong suy nghĩ của bà, cậu con trai của mình, dù có đua đòi lêu lổng đến đâu, cũng không thể nào lại rơi vào con đường nghiện ngập, lại đi vào vết xe đổ của những người đã không thể chiến thắng được sự cám dỗ của ma túy. Mẹ anh đã rất đau đớn, xót xa cho đứa con trai mà bấy lâu nay bà vẫn thường đặt nhiều niềm tin và hy vọng vào nó. Bà đã ngất đi tỉnh lại không biết bao nhiêu lần, khi hay tin anh bị nghiện.
Cả nhà vẫn tin tưởng và mong anh nghĩ lại để đoạn tuyệt với ma túy và sớm trở về với tổ ấm ngày xưa. Bản thân anh đã ý thức được việc này và tự cai nghiện tại nhà dưới sự trợ giúp của gia đình nhưng không thành.
Đã có những lúc Sơn nghĩ suy về cuộc đời, về số phận và cũng có những lúc anh cảm thấy hụt hẫng, nản lòng; bị mọi người rẻ khinh, kỳ thị. Anh đã thấy được nỗi đau đến tột cùng và chới với giữa cuộc đời; nhiều lần anh đã định tìm đến cái chết....
Sơn tâm sự, sẽ quyết tâm làm lại từ đầu để trở thành người có ích |
“Cho đến khi tôi bị công an bắt đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm 06. Ở đây tôi được tôi được các cán bộ chăm sóc, giáo dục, trợ giúp pháp lý, tham gia lao động sản xuất và các hoạt động văn hóa, văn nghệ nên nên đã sớm cắt được những cơn “vật” của ma túy. Lúc này, tôi mới thức tỉnh lương tâm của một con người, một người thực sự ăn năn hối cải, rất muốn làm lại từ đầu và nhất định sẽ phải làm lại” – Sơn tâm sự.
Sơn cũng từng nói với chúng tôi, anh sẽ không xấu hổ, không né tránh mà sẵn sàng lên báo chí để kể về những vấp ngã trong cuộc đời mình để mọi người lấy đó là bài học và tránh xa với tệ nạn ma tuý.
Giờ đây Sơn đã cắt được cơn nghiện và sắp được trở về với gia đình. Song ước nguyện lớn nhất của Sơn đó là: Được cộng đồng xã hội bao dung, tha thứ cho những con người lầm được lạc lối như anh, nay đã thực sự biết ăn năn và muốn làm được nhiều việc có ích. Sơn cũng muốn có một công việc ổn định để có thể tự chăm lo cho cuộc sống của mình.
Mơ ước rất đỗi giản dị của Sơn cũng chính là nỗi niềm chung của những mảnh đời cùng cảnh ngộ với anh. Mỗi chúng ta hãy lãng quên về một quá khứ buồn của họ; hãy giang rộng vòng tay và hãy tha thứ, đón nhận họ trở về với cuộc sống đời thường, để những người như Sơn có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Dẫu biết rằng phần lớn chúng ta thường cảm thấy quên dễ hơn nhiều so với việc tha thứ cho một người nào đó đã làm mình đau lòng, thất vọng não nề. Song chúng ta hãy làm theo cách mà giáo sư tâm lý Fred Luskin –trường Đại học Stanford, tác giả quyển sách “Hãy tha thứ vì sự tốt đẹp” đã khuyên: “Trong cuộc sống luôn có những điều mà ta chẳng bao giờ hài lòng, có những lời nói khiến ta bị tổn thương, có những cách đối xử làm mình buồn rười rượi… nhưng bạn đừng nên giữ những điều không vui ấy mãi trong lòng, biết tha thứ để vui sống là điều đáng để chúng ta quan tâm. Tha thứ sẽ là một liều thuốc giải độc mạnh mẽ”.
Sỹ Điền