“Tôi không cấm các em”

“Tôi không cấm các em”

Ở độ tuổi này, tâm sinh lý của các con bắt đầu dần thay đổi từ đầu cấp THCS và hoàn thiện cho đến hết cấp THPT. Đây là độ tuổi vừa khó khăn cho các con trong việc hình thành và phát triển nhân cách, vừa lạ lẫm bước đầu cảm nhận sự chuyển biến của cảm xúc.

Chuyện tình yêu muôn đời đã khó lý giải huống chi là tình yêu của lứa tuổi học trò. Liệu đáng lo hay không nếu các con có cảm xúc tình yêu đôi lứa trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường?!

Đây quả là điều rất khó nghĩ của bậc làm cha mẹ, của thầy cô và của xã hội. Bởi lẽ, ở tuổi các em, dưới góc nhìn của người lớn là ngoan ngoãn, là học hành, là vui chơi trong sáng theo nghĩa vốn dĩ của nó. Tức là không vướng vào chuyện yêu đương. Không ít phụ huynh khi biết con em mình có tình cảm với một bạn khác phái nào đó hơn mức bình thường, ngay lập tức ngăn chặn, cấm đoán, tìm mọi cách nhằm tách rời hai bạn nhỏ, thậm chí cả chuyển trường. Điều này xét ở mặt nào đó có thể đúng vì như trên tôi đã nói, người lớn luôn mong con trẻ chỉ lo học tập, rèn luyện vui vẻ vô tư mà thôi. Với họ, tình yêu chưa thể đến ở lứa tuổi này.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm gần hai mươi năm làm giáo viên, tôi cho rằng tình yêu đẹp nhất, vô tư trong sáng nhất có lẽ là ở lứa tuổi học trò. Quả thật, dù ở bất kì lứa tuổi nào tình yêu đôi lứa cũng là cảm xúc thiêng liêng, là cung bậc không thể thiếu của mỗi con người. Tình yêu luôn làm cho con người cảm nhận được thi vị của cuộc sống và sống có mục đích. Tuổi học trò cũng vậy và còn hơn vậy nữa. Ta có thể hình dung cảm xúc “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy” thật dịu nhẹ, tinh khôi.

TS Hà Thị Kim Phượng. Ảnh: NVCC
 TS Hà Thị Kim Phượng. Ảnh: NVCC

Các con chúng ta đang tuổi ô mai, tuổi học trò hồn nhiên thơ mộng. Nói như thế không có nghĩa hồn nhiên là không có cảm xúc yêu đương. Ở lứa tuổi này chúng bắt đầu biết rung động. Trái tim chúng biết lỗi nhịp khi bắt gặp một ánh mắt ấm áp dành cho mình. Chúng biết nhớ, biết mong khi tan học mà chưa được chạm mặt nhau. Chúng biết chia sẻ động viên nhau một cách tích cực sâu sắc…

Tuy nhiên, tình yêu học trò cũng như con dao hai lưỡi mà nếu chúng ta không cẩn thận tất yếu sẽ bị thương. Bản chất của tình yêu là chiếm hữu. Tuổi này lại khá bốc đồng, đôi khi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Chính vì thế, khi yêu, các em không hiểu sâu sắc ý nghĩa của cung bậc cảm xúc này dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Các em thể hiện vai trò chiếm hữu quá mức sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tự do của người mình yêu. Và rồi buồn phiền, học hành kém, sa sút, thậm chí có cả gây gổ đánh nhau để minh chứng tình yêu.

Không chỉ chưa nhận thức chín chắn về tình yêu mà còn chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống cơ bản nên hiện tượng học sinh yêu sớm đã dẫn đến những hệ lụy đáng thương. Nhiều bạn học sinh đã đi quá giới hạn, quan hệ tình dục sớm và dẫn đến mang thai. Bé gái độ tuổi này, cơ thể chưa hoàn thiện về mặt sinh lý, nạo phá thai sẽ đối diện với nguy cơ vô sinh, ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Bé trai cũng không kém, ngoài vấn đề về tâm lý, bên cạnh đó còn có thể đối mặt trước phát luật.

Có thể bên cạnh những xúc cảm thiêng liêng, tươi mới, dễ thương của tình yêu thì học trò vẫn phải đối mặt với những hậu quả cũng xuất phát từ chính đặc trưng cơ bản của lứa tuổi mình. Trong cuộc sống vấn đề gì cũng có hai mặt: Tốt và xấu. Tình yêu tuổi học trò cũng vậy, nó thống nhất nhau như hai mặt đối lập, không thể tách rời, không thể loại trừ. Và đặc biệt, nó đến rất tự nhiên. Chúng ta là người lớn, đôi khi nhìn thấy trước cái hệ luỵ mà ngăn chặn không đúng cách sẽ còn nguy hại hơn. Theo tôi, tình yêu học trò xét về nhiều khía cạnh vẫn rất đẹp, đáng được trân trọng. Nói như thế không có nghĩa là cổ xúy. Nhưng tôi không cấm các em.

Nhắc đến tình yêu là nhắc đến điểm tựa của mỗi chúng ta trong hành trình cuộc sống. Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh mà tình yêu có thể đẹp, có thể đắng chát, có phải là điểm tựa?!. Tình yêu tuổi học trò cũng vậy. Ở lứa tuổi này, nó đến một cách ngây ngô, chân thành. Và tình yêu non trẻ ấy có để lại dư vị ngọt ngào hay không là do cách giải quyết định hướng của mỗi chúng ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ