Tại kỳ họp này có một số ĐBQH đề nghị QH đưa giám sát môi trường và Formosa vào giám sát tối cao, tuy nhiên, QH đã quyết định giám sát vấn đề này ở cấp Ủy ban KHCNMT. Trong thảo luận có một số đại biểu cho rằng, công tác giám sát chưa có sự phối hợp tốt giữa QH và địa phương? Sẽ có điều chỉnh, chấn chỉnh gì trong việc chọn các chương trình giám sát phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong sự cố do Formosa?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Về chương trình giám sát thì theo thông lệ, làm quy trình rất chặt chẽ. Vừa qua, chúng tôi có xin ý kiến 77 cơ quan, tổ chức, đơn vị về các nội dung giám sát và thu được 189 ý kiến về các lĩnh vực đề nghị QH giám sát.
Trên cơ sở đó, chúng tôi đã gom vào khoảng 30 vấn đề. Sau đó, chúng tôi đưa ra cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban cho ý kiến và chọn ra 6 chuyên đề lớn có nhiều ý kiến đề nghị giám sát.
Trên cơ sở 6 vấn đề đó sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH chọn ra 4 chuyên đề lớn để báo cáo QH, QH chọn 2 chuyên đề giám sát, còn 2 chuyên đề giao cho Ủy ban Thường vụ QH. Trên cơ sở số phiếu ĐBQH chọn, từ cao xuống thấp thì QH chọn 2 vấn đề về an toàn thực phẩm và cải cách hành chính.
Trong quá trình phát biểu, nhiều ĐBQH đề xuất QH giám sát Formosa, tuy nhiên trong báo cáo giải trình đã nói, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng vào cuộc rất quyết liệt, xác định nguyên nhân, thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường. QH giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vào đó giám sát. Cuối tháng này, Ủy ban Thường vụ cũng sẽ xem xét về vấn đề này.
QH là cơ quan quyền lực cao nhất, việc QH giao cho một Ủy ban giám sát về Formosa thì đó có phải là coi nhẹ sự cố không, coi nhẹ nhân dân không? Tôi rất muốn nghe ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời vấn đề này vì ông từng là ĐBQH, lại rất am hiểu các vấn đề xã hội.
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Như Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đã nói, ĐBQH và QH rất quan tâm đến môi trường và trong đó có sự kiện về Formosa. Căn cứ vào chương trình chung và công tác giám sát, QH đã chọn 2 chuyên đề về an toàn thực phẩm và cải cách hành chính.
Riêng vấn đề môi trường biển miền Trung thì QH giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giám sát. Ở đây không đặt vấn đề QH không coi trọng hay xem nhẹ sự việc này.
Và theo quy định của luật giám sát QH, QH có 5 cấp độ, giám sát QH, giám sát Ủy ban thường vụ QH, giám sát của HĐDT và các Ủy ban của QH, giám sát của các đoàn ĐBQH và các ĐBQH.
5 cấp độ này tạo thành tổng thể hoạt động giám sát của QH. Hoạt động giám sát ở cấp độ nào cũng có hiệu quả, hơn nữa QH cũng sẽ tiếp tục trên cơ sở giám sát của Ủy ban KHCNMT cũng sẽ có chủ trương tiếp theo.
Báo chí cũng nên tiếp tục theo dõi, ủng hộ giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và giám sát của các ĐBQH để đáp ứng yêu cầu của việc xử lý sự cố này.
Ông Hùng vừa nói đến hiệu quả của việc giám sát ở cấp độ của Ủy ban. Vậy Ủy ban có đưa ra kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân không? Và đảm bảo khách quan công bằng thế nào khi một ĐBQH có liên quan vấn đề này?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Các Ủy ban của QH đều là cơ quan chuyên môn của QH, có đầy đủ chức năng, tham gia giám sát các vấn đê quan trọng của đất nước... Việc giao cho Ủy ban chuyên môn giám sát thì tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay hoàn toàn có thể tin tưởng được.
Như tôi đã trình bày, trên cơ sở giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, QH sẽ xem xét, quyết định nếu thấy cần thiết, Hoạt động giám sát của QH nói chung và các Ủy ban nói riêng cũng rất cần có sự tham gia của báo chí, dư luận và cử tri.
Về sự cố của Formosa, Tổng Thư ký QH có đồng tình với phần giải trình của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trước QH không? Vì có một số ý kiến cho rằng Bộ trưởng còn nói chung chung?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Về phát biểu của Bộ trưởng Bộ TN&MT thì cũng về nhiều vấn đề trong đó có vấn đề về môi trường, liên quan đến Đồng bằng sông Hồng, ngập lụt… trong đó có liên quan đến Formosa. Với tư cách là Bộ trưởng, quản lý lĩnh vực này thì Bộ trưởng cũng đã có báo cáo chung, định hướng cả vấn đề bộ sẽ làm gì, cả vấn đề phòng chống ô nhiễm môi trường chung. Tôi cho rằng Bộ trưởng đã nêu khá rõ.
Tuy nhiên vấn đề về Formosa thì Bộ trưởng nêu chưa rõ, chưa thỏa mãn các ĐBQH. Tôi ngồi nghe cũng không thỏa mãn lắm, bởi vì chắc Bộ trưởng nghĩ là có báo cáo rồi nên nêu chưa rõ. Các ĐBQH rất muốn Bộ trưởng phát biểu sâu hơn, liên quan đến Formosa nhưng Bộ trưởng nói thế chưa thỏa mãn cho ĐBQH.