Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, các giảng viên toán đến từ các trường ĐH có thế mạnh về đào tạo kinh tế, tài chính – ngân hàng trong nước cùng các chuyên gia về định chế tài chính…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phân tích: “Có một thực trạng rất đáng lưu ý hiện nay là việc cắt giảm thời lượng giảng dạy các học phần Toán trong chương trình đào tạo một số ngành như y tế, xã hội, quản lý… thậm chí ở cả một số ngành kỹ thuật, công nghệ.
Điều này gây nên mối lo ngại của các nhà sử dụng lao động về năng lực và kiến thức nền tảng của SV và khả năng SV có thể thích nghi với môi trường lao động thay đổi nhanh chóng.
Xã hội càng phát triển thì yêu cầu tư duy logic của con người càng cao. Vì vậy, việc giảng dạy môn Toán ở các nhà trường cần được tăng cường. Tuy nhiên, do SV cần phải được trang bị nhiều kiến thức khác nên cần phải xác định nội dung và thời lượng thế nào cho vừa phải, phù hợp với yêu cầu của từng ngành”.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều góp ý, thảo luận về thực trạng giáo trình, tài liệu, các học liệu về toán trong đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính và ngân hàng tại các trường ĐH, CĐ.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dư - Giám đốc Điều hành VIASM, môn Toán được đánh giá cao trong các trường phổ thông nhưng lên đến ĐH, CĐ thì câu chuyện lại khác hoàn toàn, SV tránh học toán càng nhiều càng tốt, và từ khi chuyển sang đào tạo theo hình thức học chế tín chỉ thì thời lượng dành cho môn Toán cũng giảm đi rất nhiều, thậm chí như Học viện Quân y còn bỏ luôn môn Toán ra khỏi chương trình đào tạo.
Các trường có đào tạo tài chính, kinh tế cũng cắt giảm đáng kể thời lượng dạy - học môn Toán, chỉ còn khoảng từ 6 – 8 tín chỉ, còn chưa đến ½ thời lượng giảng dạy so với chương trình đào tạo của những năm 1992, thậm chí như Học viện Tài chính chỉ có 4 tín chỉ đại số, ĐH Cần Thơ có 6 tín chỉ, trong đó có cả xác suất, thống kê…”.
Nhận xét về chất lượng giảng viên Toán ở các trường đại học kinh tế hiện nay, Thạc sĩ Ngô Sỹ Hùng – trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cho rằng: “Phần lớn GV Toán ở các trường ĐH kinh tế hiện nay đều được đào tạo từ các khoa toán của các trường ĐH khoa học tự nhiên và ĐH sư phạm. Họ được đào tạo rất cơ bản và hệ thống về toán học, có kỹ năng tốt trong truyền thụ và nghiên cứu về Toán.
Tuy nhiên, nhiều người chưa kịp trang bị cho mình những kiến thức cơ bản của kinh tế học, vì thế chưa thể làm cầu nối cho SV trong việc ứng dụng toán vào việc lĩnh hội các kiến thức về KT - XH”.
Ngược lại, nhiều GV chuyên ngành lại ngại giảng dạy những ứng dụng Toán vào giải quyết các vấn đề của môn học của mình, vì thé họ thường giảm nhẹ, cắt xén những phần này. Kết quả là SV sẽ nhận thức lệch lạc về sự cần thiết phải nắm bắt một cách đầy đủ kiến thức về toán.
Các kết quả của toán học chỉ được vận dụng một cách rời rạc trong suốt quá trình học các môn chuyên ngành. Sự kết nối giữa toán học và các môn chuyên ngành không chặt chẽ và việc dạy và học toán chưa được xem là tối quan trọng trong quá trình đào tạo cử nhân kinh tế.
Hội thảo cũng ghi nhận các kiến nghị về các giải pháp, các kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như biên soạn, biên dịch một số sách, tài liệu toán học cho các ngành học kinh tế, tài chính - ngân hàng.
TS Cấn Văn Lực, đến từ Ngân hàng Đầu tư cho rằng: Các trường ĐH, CĐ đào tạo cần cân đối thời lượng và chương trình giảng dạy hợp lý, đẩy mạnh việc ứng dụng các mô hình toán, kinh tế lượng trong các công trình nghiên cứu; tiếp cận tốt với các doanh nghiệp, thực hiện phương thức đào tạo ứng dụng hiện đại của thế giới (lý thuyết, thực hành, gắn kết DN); chuẩn hóa khâu thực tập doanh nghiệp; đầu tư mua cơ sở dữ liệu và phát triển hơn nữa năng lực nghiên cứu.
GS.TS Nguyễn Hữu Dư nhận định: Cần đưa môn Toán trở lại đúng vai trò của nó nếu muốn nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt các môn liên quan đến khoa học tự nhiên, ứng dụng. “Lý tưởng nhất là Bộ GD&ĐT cho môn toán vào trong chương trình giáo dục đại cương như môn thể thao, triết học…” – TS Dư nhấn mạnh.
Ngoài ra, các GV cũng cần đổi mới phương pháp giảng dạy để cho SV yêu thích môn Toán hơn; chuẩn bị sách và các học liệu đầy đủ theo yêu cầu phát triển của thời đại.