(GD&TĐ) - Tối 11-4, tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp và trung tâm CFVG tổ chức hội thảo "Toàn cầu hóa và cuộc khủng hoảng tài chính: Thách thức của các quốc gia” với sự thuyết trình của TS. Michel Henry Bouchet, Giáo sư trường SKEMA Business School và CFVG và Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.
Đề dẫn Hội thảo: Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là cuộc khủng hoảng đầu tiên trong quá trình toàn cầu hóa của các thị trường. Như vậy, thế giới ngày nay không cho phép cô lập, mà đã thực sự trở thành một mái nhà chung, nơi mà các nguy cơ và sự mất cân bằng có khả năng lan truyền đến mọi ngóc ngách. Các quốc gia bị bao vây và thách thức bởi các tác nhân kinh tế từ bên ngoài với mục tiêu ưu tiên là lợi nhuận cổ đông. Trong cuộc đối đầu này, các quốc gia đã thất thế ngay ở thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi họ phải khẩn cấp tái cơ cấu vốn của các ngân hàng bằng cách xã hội hóa các khoản vay. Liệu có phải các quốc gia đã quá lỗi thời? Với cuộc khủng hoảng ngày càng sâu, rộng, các quốc gia cần tăng cường khung pháp lý để bắt đầu khôi phục lại hệ thống tài chính với chức năng chính là trung gian tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh. Khi đó, không còn có sự phân biệt giữa Bắc và Nam, các nước phát triển và các nước mới nổi, tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với một thách thức mới là thay đổi để tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
TS. Michel Henry Bouchet phát biểu tại hội thảo, ảnh H.M |
Tại buổi hội thảo các chuyên gia đã chỉ ra, trong thời đại nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa, một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn cũng trở nên toàn cầu. Nó không loại trừ một lĩnh vực nào hay một quốc gia nào. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là cuộc khủng hoảng đầu tiên trong quá trình toàn cầu hóa của các thị trường. Do đó, thế giới ngày nay không cho phép cô lập, mà đã thực sự trở thành một mái nhà chung, nơi các nguy cơ và sự mất cân bằng có khả năng lan truyền đến mọi ngóc ngách. Các quốc gia bị bao vây và thách thức bởi các tác nhân kinh tế từ bên ngoài với mục tiêu ưu tiên là lợi nhuận cổ đông. Trong cuộc đối đầu này, các quốc gia đã thất thế ngay ở thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi họ phải khẩn cấp tái cơ cấu vốn của các ngân hàng bằng cách xã hội hóa các khoản vay.
TS. Michel Henry Bouchet chỉ ra: với cuộc khủng hoảng ngày càng sâu, rộng, các quốc gia cần tăng cường khung pháp lý để bắt đầu khôi phục lại hệ thống tài chính với chức năng chính là trung gian tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh. Khi đó, không còn có sự phân biệt giữa Bắc và Nam, các nước phát triển và các nước mới nổi, tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với một thách thức mới là thay đổi để tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Các chuyên gia tham dự hội thảo đã chứng minh, cuộc khủng hoảng khiến chúng ta phải trăn trở về những thách thức trong công tác quản lý mà tất cả các quốc gia đều phải đương đầu, bất kể hình thức tổ chức xã hội – chính trị của các nước như thế nào. Cuộc khủng hoảng nổ ra ở Mỹ năm 2008, sau đó lại dịch chuyển sang châu Âu từ năm 2010, tạo ra ảnh hưởng đáng kể đối với dòng thương mại và tài chính với các quốc gia mới nổi. Đối với một quốc gia có hệ thống ngân hàng và tài chính yếu, nhà nước phải đối mặt với rủi ro có tính hệ thống khi áp dụng kế hoạch hỗ trợ dựa trên bơm tiền mặt và tái cấp vốn. Điều này làm gia tăng thâm hụt ngân sách và gây khủng hoảng lòng tin về khả năng trả nợ của những nước này.
Với Việt Nam, qua những số liệu dẫn chứng, các chuyên ra đã chỉ ra, Việt Nam cũng không thoat khỏi sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, ngoài những mặt tiêu cực, trong cuộc khủng hoảng cũng cho thấy Việt Nam đang có những điểm mạnh đó là việc duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức khá, giữ được sự ổn định về tỷ giá, vàng, giảm dần lạm phát.
Tin, ảnh: Vũ Thành-Hải Minh