Tổ tư vấn chuyên môn: Sáng tạo của một tỉnh miền núi

Tổ tư vấn chuyên môn: Sáng tạo của một tỉnh miền núi

Hiệu ứng vết dầu loang

Theo ông Nguyễn Minh Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang, 4 năm trước, sở đã thành lập tổ tư vấn này nhưng quy mô nhỏ, khoảng 10 người. Năm nay, trước yêu cầu đổi mới dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, sở nhận thấy cần phải tổ chức, củng cố tổ chức để hoạt động bài bản và chuyên nghiệp hơn. Mục đích nhằm lan tỏa những mô hình dạy học tốt, điển hình tiên tiến, kinh nghiệm hay, bài học quý đến các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên đang gặp khó khăn về đổi mới phương pháp dạy học.

“Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi thống nhất phải đẩy mạnh hoạt động của tổ tư vấn chuyên môn theo hiệu ứng “Vết dầu loang”. Một số thành viên của tổ sẽ đến một trường học nào đó để trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ. Sau đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và giáo viên của trường này sẽ lan tỏa đến các trường khác, để cùng nhau thay đổi nhận thức, phương pháp dạy học và phương pháp quản lý chuyên môn” - ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn cho biết: Tổ tư vấn chuyên môn có quy chế hoạt động. Quy chế này quy định nội dung, nguyên tắc hoạt động tư vấn như: Các thành viên tổ tư vấn sẽ hỗ trợ, giúp đỡ, tham mưu các giải pháp về công tác quản lý và chuyên môn cho cán bộ quản lý, các cơ sở giáo dục phổ thông nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quản trị nhà trường; hỗ trợ đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng thúc đẩy sự tiến bộ trong công việc của các thành viên tổ chuyên môn; hỗ trợ, tư vấn cho giáo viên trực tiếp đứng lớp về chương trình, nội dung giảng dạy, phương pháp và kỹ thuật dạy học, hình thức tổ chức dạy học và hỗ trợ thực hiện đổi mới công tác giáo dục trong các trường phổ thông...

Hoạt động tư vấn chuyên môn là một trong các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy quá trình tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên; đồng thời đổi mới công tác quản lý, quản trị của lãnh đạo nhà trường và góp phần đổi mới các hoạt động giáo dục trong nhà trường theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Linh hoạt trong cách làm

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang, hoạt động tư vấn chuyên môn được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện như: Email, mạng xã hội, điện thoại... Tổ tư vấn chuyên môn được thực hiện nhiệm vụ tại các trường phổ thông theo kế hoạch đã phê duyệt hoặc đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở GD&ĐT. Hoạt động của tổ tư vấn chuyên môn không gây trở ngại cho các hoạt động giáo dục bình thường tại các nhà trường; không xếp loại giờ dạy khi dự giờ; có tổ chức kiểm tra, giám sát sau hoạt động tư vấn để tham mưu với lãnh đạo sở các giải pháp nâng cao chất lượng công tác của nhà trường.

Các hoạt động tập trung vào ba nhóm nội dung chính: Thứ nhất, hỗ trợ giáo viên về phương pháp giảng dạy, góp ý về cách thức soạn giáo án, về nội dung kiến thức của môn học; đồng thời giải đáp một số khúc mắc của giáo viên về bài giảng, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng hiệu quả bài học. Thứ hai, các thành viên trong tổ sẽ hướng dẫn về cách thức sinh hoạt chuyên môn, dự giờ. Khi dự giờ, người dự giờ có thể ngồi ở bất kỳ vị trí nào trong lớp để thuận tiện cho việc quan sát hoạt động của học sinh. Việc dự giờ không nhằm mục đích quan tâm đến hoạt động giảng dạy của giáo viên. Thứ ba, tổ tư vấn chuyên môn góp ý cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng về quản lý chuyên môn nói riêng và công tác quản lý nhà trường nói chung.

Tổ tư vấn chuyên môn có quay một số tiết dạy minh họa để đưa lên Fanpage của Sở GD&ĐT. Qua đó, các giáo viên có thể tham khảo và vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của nhà trường. Năm 2020, UBND tỉnh đồng ý cấp kinh phí 500 triệu đồng/năm cho tổ tư vấn chuyên môn hoạt động.
                                                            Ông Nguyễn Minh Anh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).