Tò mò với tác phẩm của nhà văn khác thường trong nghịch cảnh

GD&TĐ - Sáng nay (20/1), Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt – First News tổ chức buổi ra mắt cuốn sách “Mật ngữ rừng xanh” của nhà văn trẻ Lê Hữu Nam và khai trương ngôi nhà sách Hạt giống tâm hồn tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TPHCM).

Tò mò với tác phẩm của nhà văn khác thường trong nghịch cảnh
Tò mò với tác phẩm của nhà văn khác thường trong nghịch cảnh ảnh 1Tò mò với tác phẩm của nhà văn khác thường trong nghịch cảnh ảnh 2Tò mò với tác phẩm của nhà văn khác thường trong nghịch cảnh ảnh 3Tò mò với tác phẩm của nhà văn khác thường trong nghịch cảnh ảnh 4

Tại buổi giao lưu tác giả Lê Hữu Nam đã trải lòng mình với mọi người về lý do viết cuốn sách cũng như cơ duyên kết hợp xuất bản ấn phẩm với First News

Mật ngữ rừng xanh là một cuốn sách khơi dậy tình yêu thiên nhiên, yêu loài vật một cách sâu sắc trong mỗi người chúng ta, nhất là các bạn trẻ sẽ biết trân trọng hơn về cuộc sống xung quanh, biết đoàn kết chống lại những điều ác, cái xấu.

Cuốn sách cũng phác họa lòng nhiệt huyết, tình cảm gia đình thiêng liêng cũng như biết trân trọng giá trị bạn bè không biên giới trong những con vật và con người.

Tác giả đã sắp xếp rất sinh động các tuyến nhân vật, những đứa trẻ và ông bố với các ông lão cùng bảo vệ một khu rừng, cho thấy cuộc chiến này không chỉ có một thế hệ hay một bộ phận nào đó nhân danh mà là nhiều thế hệ, nhiều thân phận cùng nhau chiến đấu bảo vệ thiên nhiên.

Bên cạnh đó, tác giả cũng đã phát huy sự sáng tạo khi viết Mật ngữ rừng xanh, với hình ảnh các nhân vật như Miên, Lâm, Jo hay Susan đều có trong hiện thực cuộc sống nhưng lại bí ẩn, hội tụ từ tính cách của các đứa trẻ Đông - Tây.

Chúng còn là kết tinh của kiểu giáo dục khai sáng, không giáo điều máy móc, điều mà những đứa trẻ cần được hưởng. Thứ ba, có yếu tố nước ngoài trong truyện mang ý nghĩa rằng, cuộc chiến bảo vệ thiên nhiên không có biên giới, không ngôn ngữ, không sắc tộc.

Họ có thể là cô bé người Mỹ học lớp một, cậu bé Việt Nam thích ở trong rừng, ông già tu sĩ ở ẩn trên núi hay một chuyên gia lâm nghiệp đã hy sinh mạng sống của mình vì một con voi.

Họ cũng có thể là vị giáo sư già nào đó đến từ châu Âu có tấm tình yêu trong sáng với thiên nhiên và họ nói chung một thứ ngôn ngữ: Ngôn ngữ của tình yêu thương, ngôn ngữ của sự công bằng.

Lê Hữu Nam chia sẻ: “Tôi luôn bị ám ảnh trăn trở trước thảm cảnh mà những con người luôn nói biết tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên nhưng lại có thể làm những điều ngược lại, tìm thú vui trong việc hủy diệt từng phần sinh linh của vẻ đẹp thiên nhiên đó.

Tại sao những cánh rừng bị hủy diệt, những con thú vô tội bị săn giết đến tuyệt chủng, những con vật dễ thương bị bắt về giết thịt ngay tại chỗ không thương tiếc cho những bữa ăn nhậu thời thượng, của những cuộc vui say tìm cảm giác trong chốc lát - chỉ vì sự thỏa mãn nhu cầu của một số người?

Không một ai để ý, đoái hoài đến cảm giác tuyệt vọng đau đớn của con vật lúc bị cắt tiết, lột da, xẻ thịt? Ngoài việc chúng cũng có tâm hồn, cảm xúc, buồn vui, cảm giác đau đớn tận cùng lúc bị giết - mà biết đâu theo kiếp luân hồi, chúng lại là hiện thân tái kiếp thực sự của một con người như chính chúng ta?

Đó cũng là lời thú tội và nhắc nhở với mọi người trong hiện tại và các thế hệ sau, để nhắc nhớ rằng con người chúng ta sinh ra từ thiên nhiên, được bảo bọc bởi thiên nhiên nên không thể nào gây tội ác tận cùng với những sinh vật sống và tàn nhẫn với thiên nhiên như thế được”.

Tin nhà văn trẻ Lê Hữu Nam với tập truyện dài Mật ngữ rừng xanh vừa được Hội Nhà văn TPHCM trao Giải thưởng Nhà văn trẻ 2015 đã làm nhiều người xúc động.

Bản thân tác giả là một chàng trai trẻ đầy nghị lực đang chống chọi với căn bệnh tim hiểm nghèo, một tấm lòng luôn chia sẻ với cộng đồng trong lúc bản thân rất khó khăn - một cây bút có tài biết phát đi thông điệp cảnh báo những nguy cơ đe dọa môi trường sống từ lòng trắc ẩn thực sự của mình - Lê Hữu Nam đã làm được những điều ý nghĩa và đáng quý khác thường trong nghịch cảnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.