Tổ chức hoạt động vui chơi lành mạnh để HSSV xa rời game

Tổ chức hoạt động vui chơi lành mạnh để HSSV xa rời game

(GD&TĐ) - Sáng nay 7-6, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức Hội thảo triển khai chương trình hành động phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến đối với HSSV. Dự và Chủ trì có ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, cùng đông đảo các thầy cô giáo, các phòng GD, các trường học thuộc các quận, huyện thuộc khu vực Hà Nội…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Dương Văn Bá - Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, nhấn mạnh: “Hiện nay tỷ lệ HSSV chơi game rất đông, khi được hỏi nhiều HSSV không ngần ngại trả lời một tuần chơi tới 6-8 lần, mỗi lần vài tiếng đồng hồ. Nói về hậu quả của game thì ngay cả Chính phủ cũng phải khẳng định là HSSV đánh nhau một phần xuất phát từ sự ảnh hưởng của chơi game. Hiện ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có không ít HSSV đang điều trị. Nhiều SV năm thứ nhất học giỏi, năm thứ hai bắt đầu chơi game, năm thứ ba thì bỏ học phải vào bệnh viện nằm điều trị…”.

Ông Dương Văn Bá phát biểu tại Hội thảo
Ông Dương Văn Bá phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo nhiều ý kiến cho rằng, game online có tác hại rất lớn tới giới trẻ. Trò chơi trực tuyến có những mặt lợi, nhưng rõ ràng đối với thanh thiếu niên Việt Nam, nó có nhiều tác hại hơn. Nguyên nhân chính là vì giới trẻ không tự kiềm chế được khi sa đà vào các trò chơi trực tuyến, đặc biệt là các game bạo lực. Đã có không ít phụ huynh “kêu trời” vì con mình nghiện game online, bỏ học, bỏ ăn, bỏ ngủ chỉ để chơi game, thậm chí đã có không ít trường hợp phải nhập viện do đột quỵ vì chơi game quá sức...

Trước những bức xúc của dư luận về game, ngày 7-4-2011, Bộ GD&ĐT đã có Quyết định số 1387 ban hành Chương trình hành động về phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với HSSV giai đoạn 2011-2015. Chương trình sẽ được triển khai trong năm học tới 2011-2012.

Mục tiêu của chương trình là: 100% cán bộ, giáo viên và HSSV nhận thức được tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh; 100% HSSV ký cam kết với nhà trường và các tổ chức đoàn thể không tham gia trò chơi này; 100% phụ huynh học sinh ký cam kết với nhà trường quản lý không để HS chơi các trò chơi này; 100% các trường không có các vi phạm trong nhà giáo, cán bộ quản lý và HSSV liên quan đến các nội dung bạo lực và không lành mạnh do tác động của trò chơi trực tuyến.

Phòng chống game không thể từ những biện pháp hành chính
Phòng chống game không thểchỉ  từ những biện pháp hành chính (ảnh mang tính minh họa)

Để đạt được những mục tiêu này, đại diện Phòng Công tác HSSV của Sở GD-ĐT Hà Nội nêu quan điểm: Nhà trường phải tăng cường hoạt động Đoàn – Đội. Chúng ta cấm cái này thì phải mở cái kia, phải tổ chức nhiều hoạt động vui chơi để HSSV tự nguyện xa rời game. Ngoài ra, nhà trường còn phải giáo dục kỹ năng sống cho HSSV. Trên thực tế, nhiều HS chưa biết từ chối cái xấu, thậm chí học theo cái xấu rất nhanh…

Trong khi đó, ông Dương Văn Bá khẳng định: “Ngành GD-ĐT có trách nhiệm quản lý HSSV trong giờ học, tuyên truyền để phụ huynh học sinh hiểu và cùng nhà trường quản lý HS để hạn chế những tác động xấu của game. Riêng giáo viên cần phải biết được game là như thế nào, nội dung của trò chơi ấy ra sao để giáo dục, định hướng cho HS...”. Tại Hội nghị, ông Bá cũng cho biết thêm, mục tiêu của năm học mới 2011-2012 là nâng cao nhận thức cán bộ, giáo viên và HS-SV về tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh. Đồng thời ngăn chặn kịp thời những tác động xấu của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, khắc phục tình trạng HS sa sút đạo đức, thiếu tự tin, bỏ học…

T. Toàn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.