(GD&TĐ)-Sáng nay (31/5), tại Hội nghị sinh viên NCKH cấp trường năm 2012, Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội đã được đón nhận cờ thưởng của BCH Trung ương Đoàn tặng đạt danh hiệu đơn vị xuất sắc phong trào SV NCKH 5 năm liền (2007-2012). Đây là tổ chức Đoàn đầu tiên trong cả nước được Trung ương Đoàn tặng Cờ thưởng về phong trào SV NCKH.
Tập thể Ban thường vụ Đoàn trường ĐHSP Hà Nội đón nhận Cờ thưởng của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ảnh: gdtd.vn |
Theo Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Bá Cường, trường ĐHSP Hà Nội là trường đại học sớm nhất trong cả nước tổ chức thường niên Hội nghị SV NCKH. Với mô hình hiệu quả của phong trào SVNCKH do Đoàn Thanh niên Trường khởi xướng và phát động, năm 1991, Bộ GD&ĐT chính thức triển khai hoạt động SV NCKH trong hệ thống các trường đại học của cả nước.
Năm 2000, với sáng kiến của Đoàn Thanh niên, Trường ĐHSP Hà Nội khởi xướng tổ chức Hội nghị SV NCKH các trường đại học sư phạm toàn quốc. Từ đó đến nay, hoạt động này đã được luân phiên tổ chức ở trường đại học sư phạm, thúc đẩy mạnh mẽ chất lượng đào tạo của hệ thống các trường sư phạm.
Theo thống kê kết quả giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường ĐHSP Hà Nội, từ năm 1992 tới năm 2011, có 152 công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên được giải thưởng cấp Bộ, trong đó có 19 giải Nhất, 34 giải Nhì, 36 giải Ba, 63 giải Khuyến khích. Nhiều sinh viên được giải thưởng sinh viên NCKH cấp Bộ đã trở thành giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội và các trường đại học, viên nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong số đó, nhiều người đã trở thành Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư hoặc đang làm nghiên cứu sinh nước ngoài.
Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trogn công tác SV NCKH năm 2011. Ảnh: gdtd.vn |
Tại hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2011-2012, trường ĐHSP Hà Nội đã nhận được 61 báo cáo khoa học được chọn trong tổng số 789 công trình khoa học của sinh viên ở cả ba lĩnh vực; trong đó có 27 báo cáo lĩnh vực Khoa học tự nhiên – công nghệ; 19 báo cáo lĩnh vực Khoa học xã hội nhân văn; 15 báo cáo Khoa học giáo dục và ngoại ngữ. Nội dung những báo cáo này được đánh giá là rất phong phú, đề cập nhiều vấn đề nghiên cứu cơ bản và có tính ứng dụng.
Hiếu Nguyễn