Tổ chức, cá nhân được quyền kinh doanh vàng miếng

Tổ chức, cá nhân được quyền kinh doanh vàng miếng

(GD&TĐ)-Đó là nội dung mà Dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng miếng vừa được Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện. Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 6.

fgdfg
Mua bán vàng miếng với những đối tượng không có giấy phép sẽ được coi là vi phạm pháp luật (ảnh MH)

Theo dự thảo này, quyền mua bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân vẫn được thừa nhận, chứ không phải giao dịch một chiều (chỉ bán mà không được mua) như ý tưởng đưa ra trước đây.

Tuy nhiên, các giao dịch này phải thực hiện tại ngân hàng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng.

Mua bán vàng miếng với những đối tượng không có giấy phép sẽ được coi là vi phạm pháp luật. Đặc biệt, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cũng được cho là hành vi vi phạm.

Theo đó, kinh doanh mua, bán vàng miếng phải tuần theo nguyên tắc chung về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép theo các điều kiện nhất định, chứ không tự do như hiện nay.

Về việc sản xuất vàng miếng: Dự thảo đưa ra hai phương án, Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng. Trong trường hợp cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất, Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định trình tự, thủ tục, số lượng doanh nghiệp được sản xuất gia công vàng miếng trong từng thời kỳ để quản lý chặt chẽ hoạt động này.

Hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu được quy định theo hướng hạn chế xuất khẩu. Theo đó, ngoài Ngân hàng Nhà nước, chỉ các doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng mới được cấp phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác được.

Tại phiên làm việc ngày 15/3 của Chính phủ về tình hình triển khai Nghị quyết 11 về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố sẽ kiên quyết xóa bỏ kinh doanh tự do vàng miếng.

Theo đánh giá của thường trực Chính phủ, sau một thời gian ngắn triển khai Nghị quyết 11, đặc biệt là sau các biện pháp về lãi suất, tỷ giá, kinh doanh vàng, tình hình thị trường ngoại tệ và thị trường vàng đã có xu hướng ổn định hơn, có thời điểm giảm so với trước.

Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới vẫn sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt là trong quý I/2011, gói biện pháp nhằm ổn định các thị trường nói trên cần được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng quyết liệt thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, tích cực sử dụng các biện pháp nhằm chống đôla hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Quản lý chặt chẽ thị trường vàng, ngoại hối. Kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh ngoại tệ trái pháp luật.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành ngân hàng phải đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ để bán cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu hợp lý, đảm bảo đủ nguồn cung ngoại tệ đối với việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Riêng với thị trường vàng, Thủ tướng khẳng định cần dứt khoát thực hiện lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.

Lộ trình này nhiều khả năng sẽ được vạch ra một các rõ ràng tại dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất. Theo tinh thần của Nghị định này, quyền nắm giữ vàng miếng của người dân vẫn được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, các cá nhân chỉ có thể bán cho Ngân hàng Nhà nước hoặc các đầu mối do cơ quan này chỉ định, mà không được phép mua lại.

Theo kế hoạch, dự thảo sẽ được Ngân hàng Nhà nước hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt trong quý II năm nay.

Trước đó, thông tin Ngân hàng Nhà nước có thể xóa bỏ kinh doanh vàng miếng tự do có thể bị xóa bỏ xuất hiện từ cuối tháng 2 và gây nhiều xôn xao trong giới đầu tư lẫn doanh nghiệp.

Vài ngày gần đây, nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho biết trong tương lai, vàng miếng có thể chỉ giao dịch một chiều. Người dân chỉ có quyền bán chứ không có chiều ngược lại.

Hiện đại diện các doanh nghiệp cho biết họ vẫn chưa rõ lộ trình và phương thức xóa bỏ kinh doanh vàng miếng tự do sẽ được thực hiện như thế nào. Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng, ông Đỗ Minh Phú cho biết Hiệp hội cũng chưa được tham gia ý kiến vào nghị định mà Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng.

Còn sự lo lắng của người dân thể hiện qua việc giao dịch mua bán vàng miếng trên thị trường giảm khoảng 30% những ngày gần đây. Thay vào đó, một số nhà đầu tư chuyển sang tích trữ nhẫn tròn trơn.
 

Bình Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ