10/11 xã có tổ “chống bỏ học”
Mong muốn thay đổi nhận thức của người dân về việc đưa con em đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Đắk Hà (Kon Tum) đã thành lập tổ chống bỏ học. 10/11 xã, thị trấn của huyện Đắk Hà đã triển khai hiệu quả mô hình và mang lại những kết quả thiết thực.
Ông A Jem - Tổ trưởng tổ chống bỏ học thôn Kon Trang Mơ Náy (xã Đăk La, huyện Đắk Hà) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn có nhiều học sinh nghỉ học, đặc biệt là vào vụ mùa. Không muốn các em bỏ dở việc đến trường, đều đặn mỗi tuần 2 lần tổ chống bỏ học đã phối hợp với nhà trường và chính quyền địa phương đến từng nhà vận động học sinh ra lớp.
“Có những trường hợp học sinh theo cha mẹ lên nương rẫy, chúng tôi cố gắng tìm đến tận nơi để tuyên truyền. Bởi việc học rất quan trọng và cần thiết, giúp các em thoát khỏi đói nghèo. Thời gian qua, tổ chống bỏ học thôn Kon Trang Mơ Náy đã vận động được hơn 30 em quay trở lại trường học tập”, ông A Jem nói.
Không chỉ vận động học sinh, tổ chống bỏ học còn tuyên truyền bằng loa truyền thanh hay nhắc nhở phụ huynh quan tâm hơn đến việc học qua các buổi họp thôn. Nhờ vậy, bà con cũng chú trọng hơn đến việc học của con em, tỷ lệ chuyên cần ngày càng được nâng cao.
Nhiều năm qua, cứ vào thứ 6 hàng tuần, tổ chống bỏ học tại thôn Đăk Rơ Chót (xã Đăk La) lại đến từng nhà để vận động những học sinh vắng, nghỉ học ra lớp. Ông A Luen - Tổ phó tổ chống bỏ học thôn Đăk Rơ Chót cho hay, hàng tuần, cứ đến thứ 6, sau khi tập hợp danh sách học sinh vắng, các trường sẽ gửi cho tổ chống bỏ học tại các thôn. Tổ chống bỏ học phối hợp với nhà trường đến từng nhà học sinh để tìm hiểu nguyên nhân và vận động các em đến lớp.
Với những em có hoàn cảnh khó khăn, tổ chống bỏ học thường xuyên quan tâm và kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ để học sinh có điều kiện tốt nhất đến trường. 15 học sinh vắng, nghỉ học thường xuyên đã được tổ chống bỏ học hỗ trợ để tiếp tục đến trường, duy trì tỷ lệ chuyên cần.
Tương tự, tại xã Đăk Long (huyện Đắk Hà) mô hình tổ chống bỏ học được triển khai nhiều năm nay và mang lại những hiệu quả thiết thực. Trưởng thôn Pa Cheng - ông A Luyh cho biết, nhận thấy tầm quan trọng của việc học nên tổ chống bỏ học rất quan tâm đến học sinh, đặc biệt là những em người DTTS, có hoàn cảnh khó khăn. Trước các thời điểm vào mùa vụ, đơn vị sẽ tổ chức họp tất cả các tổ chống bỏ học và cùng với nhà trường tăng cường vận động, tuyên truyền để duy trì sĩ số.
Tỷ lệ chuyên cần của học sinh Trường THCS xã Đăk La ngày càng được nâng cao. |
Tỷ lệ chuyên cần được nâng cao
Gia đình chị Y Planh (thôn Pa Cheng, xã Đăk Long) thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Chị Y Planh có 3 con nhỏ đang theo học tại Trường Mẫu giáo xã Đăk Long nên việc mua sắm quần áo, đồ dùng học tập vào đầu năm học mới khá khó khăn. Mong muốn sẻ chia với gia đình để các em có điều kiện đến trường, tổ chống bỏ học thôn Pa Cheng đã chung tay hỗ trợ, tặng quà cho 3 cháu.
“Cuộc sống gia đình mình hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên mình luôn cố gắng để lo cho các con đến trường. Vợ chồng đã vất vả với công việc tay chân, mình không muốn các con cũng khổ cực. Có học chữ thì sau này các con sẽ có ngành nghề ổn định và áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. May mắn được chính quyền địa phương, tổ chống bỏ học quan tâm, giúp đỡ nên các con cũng có đủ quần áo, sách vở… đến trường”, chị Y Planh nói.
Thầy Mai Văn Viên - Hiệu phó Trường THCS xã Đăk La cho biết, năm học 2023 - 2024 đơn vị có 765 học sinh, trong đó 489 em là người DTTS. Từ đầu năm đến nay có 15 học sinh thường xuyên vắng học nên nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chống bỏ học đến nhà gặp gỡ, nắm bắt hoàn cảnh. Đồng thời tổ chống bỏ học vận động để các em quay trở lại trường học chữ, 15 em đều cam kết đi học trở lại.
Thầy Viên chia sẻ, những năm học trước tỷ lệ chuyên cần chỉ đạt khoảng 80%. Từ ngày chính quyền địa phương và tổ chống bỏ học vào cuộc, tỷ lệ chuyên cần được nâng lên, cơ bản đạt 93%, có thời điểm đạt hơn 96%.
Theo ông Trần Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La, trên địa bàn có 4 đơn vị trường học từ bậc mầm non đến THCS. Thời gian qua, vẫn còn tình trạng học sinh vắng học, nghỉ học, đa số là các em người DTTS. Nguyên nhân các em vắng học là do theo cha mẹ đi làm nương rẫy, học sinh “ngại” đến trường vì không theo kịp chương trình… Để nâng cao tỷ lệ chuyên cần, địa phương đã thành lập và duy trì 6 tổ chống bỏ học tại các thôn, làng đồng bào DTTS.
Thành viên của các tổ chống bỏ học là những người được bà con tin tưởng, như: Bí thư Chi bộ, thôn trưởng, người có uy tín, Chi hội Phụ nữ… Hơn 10 năm thành lập, các tổ chống bỏ học trên địa bàn xã đã hoạt động tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
“Chúng tôi luôn mong muốn học sinh biết chữ để đọc, viết và phát triển kinh tế. Bởi không biết chữ sau này các em sẽ rất khổ trong cuộc sống. Do đó, đều đặn gần 3 năm nay, 4 tổ vận động của thôn luôn được duy trì để giúp hành trình đến trường của các em thuận lợi hơn”, ông A Luyh chia sẻ.