Tình yêu giúp ông lão tuổi 90 hồi sinh sau nỗi đau mất vợ

Con cái ở xa, ông cũng khao khát tìm kiếm một người phụ nữ để gắn bó nốt quãng đời còn lại nhưng rồi lại tự xua đuổi ý nghĩ ấy bởi mặc cảm về tuổi tác. Nhưng như duyên trời sắp đặt, tình yêu đã đến và giúp ông hồi sinh sau nỗi đau mất mát.

Ông Chánh tới động viên vợ trong một lần bà biểu diễn văn nghệ
Ông Chánh tới động viên vợ trong một lần bà biểu diễn văn nghệ

Ở tuổi xế chiều, ông Chánh vô cùng buồn bã khi người bạn đời bao năm gắn bó bỏ ông về thế giới bên kia. Từ một người khỏe mạnh, yêu đời, vui vẻ, ông trở nên tiều tụy, buồn chán, không muốn ăn uống hay tham gia hoạt động gì. 

Con cái ở xa, ông cũng khao khát tìm kiếm một người phụ nữ để gắn bó nốt quãng đời còn lại nhưng rồi lại tự xua đuổi ý nghĩ ấy bởi mặc cảm về tuổi tác bản thân. Nhưng như duyên trời sắp đặt, tình yêu đã đến và giúp ông hồi sinh sau nỗi đau mất mát.

Chuyện tình “cậu-cháu”

Ngôi nhà nhỏ của đôi vợ chồng được những người hàng xóm gọi vui là “vợ chồng son” nằm lọt thỏm trong một khu tập thể lâu đời tại phường 27 (quận Bình Thạnh, TPHCM). 

Khác xa với không gian ồn ào, náo nhiệt của thành phố, tổ ấm của ông Thái Hiệp Chánh (90 tuổi) khiến bất cứ ai bước vào cũng cảm thấy bình yên. 

Gặp ông Chánh, người ta khó có thể tin ông đã chuẩn bị qua cái tuổi 90 bởi nhìn ông rất khỏe mạnh và trẻ trung. Bà Lê Thị Huyền Thu – người vợ mới cưới của ông - năm nay vừa bước sang tuổi 55.

Ông Chánh cho biết trước bà Thu, ông đã trải qua 2 đời vợ. Ông chung sống với người vợ đầu tiên trong cảnh hỗn loạn của chiến tranh nên dù có với nhau mấy mặt con nhưng không làm hôn thú. 

Sau khi người vợ đầu tiên qua đời, ông kết hôn với người vợ thứ hai và hai người sống hạnh phúc bên nhau mấy chục năm. Thế nhưng sinh, lão, bệnh, tử luôn là quy luật không thể đảo ngược. 

Gần 90 tuổi, ông Chánh vẫn còn khỏe mạnh nhưng người vợ đã qua đời vì trọng bệnh, bỏ lại ông một mình đối diện với tuổi già cô quạnh. Đàn con của ông Chánh vì lý do công việc cũng không thể ở bên chăm sóc cha. 

Hằng ngày nhìn ông vò võ một mình, người ta không khỏi ái ngại. “Tôi rất cô đơn! Mặc dù tôi khỏe mạnh, trong người không có bệnh gì nhưng tôi lại rất sợ cô đơn. Từ ngày vợ mất, người thân quen không nhận ra tôi. Trước đây, tôi là một người hoạt náo, nhanh nhẹn nhưng khi không còn vợ bên cạnh, tôi luôn buồn bã, ủ rũ” - Ông Chánh tâm sự.

Quả thật, người ta làm sao có thể vui khi hàng ngày phải đối diện với mâm cơm lạnh ngắt vì không có ai ăn cùng rồi những đêm dài cô quạnh, những tâm sự không được sẻ chia… 

Rồi ông Chánh khao khát có một người ở bên cạnh nhưng lại cảm thấy bất lực vì đã đến cái tuổi này rồi sao còn dám mơ chuyện kết đôi. 

Những tưởng phải sống nốt đoạn đời còn lại trong cô đơn thì một ngày, trái tim của ông lão gần 90 tuổi lại một lần nữa biết rung động trước một người phụ nữ. Đó chính là bà Lê Thị Huyền Thu, người phụ nữ cũng chịu cảnh góa chồng đã gần 20 năm nay.

Ông Chánh nhớ lại: “Có lần đứa cháu con chị gái biết tôi ở nhà buồn nên đến đón đi xem buổi ca nhạc của phường tổ chức. Khi ấy tôi cũng chẳng muốn trước đây còn hứng khởi đi xem văn nghệ chứ từ ngày sống một mình chả thiết làm gì. Sau đó, đứa cháu cứ thuyết phục, năn nỉ bằng được nên tôi đành nghe lời nó mặc đồ đẹp đi xem”. 

Chính tại buổi văn nghệ này, ông Chánh đã gặp gỡ và nói chuyện với bà Thu. Lúc đầu chỉ là những câu hỏi thăm bâng quơ, sau thì hai người thấy hợp và cứ nói chuyện hoài không dứt. 

Kể về ấn tượng lần đầu tiên gặp nhau, bà Thu cười bảo: “Tôi là bạn của cháu anh Chánh, lại kém anh hơn 30 tuổi nên khi đó tôi xưng hô với anh là cậu – cháu theo đứa bạn. 

Lần đầu gặp nhau, tôi chỉ thấy chúng tôi nói chuyện rất hợp nhau, anh lớn tuổi rồi nhưng rất hay đùa. Sau này, đứa bạn thấy chúng tôi nói chuyện cười đùa với nhau nên nảy sinh ý định gán ghép”.

Bí quyết san bằng khoảng cách

Về bà Lê Thị Huyền Thu, tuy đã bước sang tuổi 55 nhưng trông bà vẫn trẻ đẹp. Bà kết hôn sớm và có một cô con gái. Nhưng khi bà mới ngoài 30 tuổi thì người chồng không may lâm trọng bệnh qua đời. Suốt 20 năm trời, bà ôm nỗi đau mất đi người đàn ông yêu thương. 

“Quãng thời gian ấy dài và thật kinh khủng. Nhiều người khuyên đi bước nữa nhưng hình bóng của chồng chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi. Vì thế, tôi quyết định ở vậy nuôi con” - Bà Thu tâm sự.

Cuộc đời bà Thu chỉ thực sự rẽ sang một hướng khác từ khoảnh khắc gặp ông Chánh. Bà kể, không ai có thể đoán được tuổi thực của ông bởi ông rất trẻ trung, nhanh nhẹn, vui vẻ. Đặc biệt, ông mang lại cảm giác gần gũi, bình yên - cái cảm giác mà gần 20 năm rồi bà mới lại được cảm nhận. 

“Tình trong như đã mặt ngoài còn e” nên sau nhiều lần hẹn hò, đi chơi, hai người vẫn không thể nào nói ra những điều trong lòng ấp ủ. Ông Chánh khi ấy đã biết trái tim mình mang bóng hình của người phụ nữ ấy nên quyết đem chuyện bàn bạc với con cái. Sau khi con cái đồng thuận, ông Chánh mới quyết định ngỏ lời cầu hôn. 

Bà Thu cho biết: “Khi ấy, tôi biết chắc là mình đã có tình cảm đặc biệt dành cho anh Chánh nhưng luôn cố ngăn nó lại. Bởi tôi đã quen sống một mẹ một con suốt bao nhiêu năm trời, còn khoảng cách tuổi tác giữa tôi và anh nữa. 

Tôi sợ khi đến với anh, người ta sẽ gièm pha, nói tôi chỉ vì lợi dụng vật chất hoặc nghĩ những điều không tốt về tôi. Vì thế, tôi đã từ chối lời cầu hôn”.

Thất vọng trước câu trả lời của bà Thu, ông Chánh bắt xe khách về miền Tây chơi với bà con cho đỡ buồn. Thấy ông như vậy, bà cảm thấy áy náy nên gọi điện cho cô con gái và cuộc điện thoại ấy đã làm xoay chuyển tình thế. 

Khi biết mẹ băn khoăn trước lời cầu hôn đột ngột của một cụ ông 90 tuổi, con gái bà Thu đã khuyên: “Tình yêu thì không bao giờ có khoảng cách, chỉ cần bác và mẹ muốn đến với nhau. Mẹ hãy sống vì mẹ, đừng để ý đến mọi người xung quanh. Con ủng hộ”. 

Cuộc điện thoại ấy làm xua tan mọi lo âu trong lòng, bà liền gọi điện cho ông. Biết bà đã thay đổi quyết định, ông mừng rỡ bắt ngay xe ngược xe về Sài Gòn. 

Suốt đêm hôm ấy, hai ông bà thức trắng để cùng nhau bàn kế hoạch… tổ chức đám cưới. Chỉ vài ngày sau đó, mọi người ở tổ dân phố, bạn bè, đồng nghiệp… đều vô cùng sửng sốt khi nhận được thiệp báo tin vui. 

“Chúng tôi biết chắc sẽ làm mọi người bất ngờ. Dù có chút hồi hộp nhưng rất vui là trong ngày cưới, chúng tôi lại nhận được nhiều sự ủng hộ và vô số lời chúc phúc” - Ông Chánh chia sẻ.

Nhiều người sẽ thắc mắc, cuộc sống sau kết hôn của cụ ông 90 tuổi và người vợ kém 35 tuổi sẽ như thế nào. Trả lời câu hỏi này, ông Chánh vui vẻ đáp: “Đây chính xác là tình yêu. Chúng tôi cảm thông, chia sẻ, bù đắp cho nhau. 

Tôi không nghĩ ở tuổi này mình còn có thể hưởng niềm hạnh phúc này. Thu là một người phụ nữ khá trẻ, tính cách ấy của cô cũng giúp tôi trẻ trung, vui vẻ hơn. 

Hiện cô ấy phụ trách đội văn nghệ và tham gia nhiều phong trào của phường. Tôi luôn là người đứng sau ủng hộ vợ làm tất cả những gì cô ấy muốn”. 

Đối với bà Thu, cuộc sống của bà đã thay đổi rất nhiều từ khi lập gia đình lần hai. Theo bà, người chồng lớn hơn nhiều tuổi đã dạy cho bà nhiều thứ. 20 năm sống không chồng, mọi sinh hoạt của người phụ nữ này đều tạm bợ, ăn uống sơ sài, giờ giấc tự do. 

Nhưng từ khi được làm vợ một lần nữa, bà mới lại được nấu một bữa cơm cho gia đình đúng nghĩa, chia tủ quần áo làm hai ngăn – của vợ và của chồng… Hơn hết, bà lại có lý do để làm đẹp cho chính mình. 

“Chồng giúp tôi sống nề nếp hơn và là động lực giúp tôi có một cuộc sống gia đình thật ý nghĩa. Bây giờ tôi đã không còn quan tâm đến những gì người ta nhận xét về mình nữa. Tình yêu thì không bao giờ là quá muộn. Tôi tin là mình đã đúng” - Bà nói rồi nhìn ông trìu mến.

Người dân ở khu phố nơi vợ chồng ông Chánh đang sinh sống hiện đã quen với hình ảnh cụ ông 90 tuổi chở vợ bằng xe máy đi tập văn nghệ, ngồi xem vợ biểu diễn rồi lại đón về, cùng vợ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. 

Người ta so sánh vợ chồng ông như “vợ chồng son” quả không sai. Đúng như lời ông Chánh, trước khi sống khỏe phải sống vui. Đó cũng là bí quyết giúp ông giữ được sức khỏe bền bỉ như bây giờ. 

Trao đổi với chúng tôi, bà Lương Thị Cúc - Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 27 (quận Bình Thạnh) - hết sức vui mừng khi nhắc đến vợ chồng ông Chánh – bà Thu. 

Bà cho biết: “Khi nhận được thiệp mời đám cưới của họ, chúng tôi đều lấy làm ngạc nhiên. Nhưng sau đám cưới thấy ông bà luôn vui vẻ, hạnh phúc bên nhau, chúng tôi cũng thầm chúc cho họ mãi được như vậy. 

Cuộc hôn nhân của họ đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về giá trị của tình yêu. Tình yêu thì không phân biệt tuổi tác và nó giúp người ta trở nên mạnh khỏe, yêu đời hơn”.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ