Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi mái ấm gia đình an vui, hạnh phúc chính là một viên gạch vững chắc để xây dựng nên một xã hội tươi sáng, một đất nước phồn vinh, một thế giới hòa bình, thịnh vượng.
Cùng với nhiều nguyên nhân chủ quan khác thì gia đình không hạnh phúc cũng được xem là một yếu tố quan trọng khiến cho tình trạng bạo lực gia tăng.
Sự thiếu hụt về vật chất nhất thời, con người có thể dễ dàng vượt qua nhưng sự mất mát, suy sụp về tinh thần thì khó có gì bù đắp được.
Vì vậy mà những bế tắc trong đời sống gia đình vẫn là vấn đề nan giải, để rồi những người trong cuộc âm thầm cam chịu hệ lụy và bất hạnh từ những hành vi xâm phạm thể xác, tinh thần do bạo lực gia đình gây ra.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến điều này thường do các thành viên trong gia đình đã không được định hướng trên nền tảng tình yêu, đạo đức trước khi lập gia đình cũng như trong quá trình chung sống.
Gia đình không hạnh phúc, cuộc sống không hòa hợp thường xuất phát từ thiếu sự thấu hiểu, cảm thông giữa vợ - chồng, bố mẹ - con cái. Có tình yêu nhưng không có sự chuẩn bị cho nền tảng hạnh phúc gia đình lâu dài sẽ dẫn đến xung khắc.
Xung khắc mà thiếu lý trí cộng với không kiềm chế dẫn đến bạo lực, từ đó đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Đây là tình trạng phổ biến trong đời sống gia đình hiện nay.
Phái nữ luôn được coi là phái yếu và rất nhạy cảm, khi người chồng chỉ xem người vợ như một công cụ sinh đẻ, như tôi tớ trong nhà thì thật khó để có được tình yêu, sự thấu hiểu.
Đôi khi vì bản tính nhẫn nhịn, người phụ nữ chấp nhận hoàn cảnh nhưng chắc chắn cuộc sống gia đình đó đã ngầm chứa một sự tan vỡ, bởi để xây dựng tổ ấm hạnh phúc, nhất định phải xuất phát từ tình yêu thương của tất cả các thành viên trong gia đình.
Hiện nay, nhiều gia đình phải sống chung với bạo lực nhưng người trong cuộc lại không lên tiếng. Bản chất cam chịu cùng với tư tưởng “xấu chàng hổ… thiếp” nên hầu hết phụ nữ khi bị chồng bạo hành đã chọn cách im lặng với mong muốn “trong ấm ngoài êm”.
Nhưng trên thực tế, chính từ sự cam chịu, chấp nhận đó đã vô tình trở thành sự “đồng lõa” khiến cho tình trạng bạo lực ngày càng trầm trọng.
Xã hội chúng ta vẫn quan niệm bạo lực gia đình là những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như bị thương hoặc chết người mà không cho rằng những hình thức như “chiến tranh lạnh”, nhục mạ, khủng bố tinh thần, kiểm soát về thời gian, kinh tế, cưỡng ép quan hệ tình dục… cũng là một dạng bạo lực tinh thần.
Thậm chí, hình thức bạo lực này còn gây hậu quả nặng nề không chỉ cho nạn nhân trực tiếp mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý, sự phát triển của tất cả các thành viên trong gia đình bởi những chấn thương tâm lý là rất khó lành.
Xã hội hiện đại với biết bao áp lực đè nặng lên con người, khiến cho cuộc sống đôi khi mệt mỏi, không như mong muốn. Những người biết kiềm chế và cân bằng sẽ giữ được hòa khí trong gia đình, nhưng cũng có người không làm được điều đó.
Định kiến giới buộc phụ nữ phải cùng lúc gánh quá nhiều vai trò trong xã hội và gia đình đã khiến họ căng thẳng, sinh ra cáu bẳn với chồng con.
Đàn ông với áp lực kiếm tiền và những mối quan hệ ngoài xã hội, khi cuộc sống không được như mong muốn, họ thường trút cơn giận cuộc đời lên người vợ.
Anh L.T.V (phường Bắc Hà – TP Hà Tĩnh) thú nhận: “Tôi đã từng không ít lần dùng vũ lực với vợ. Không phải tôi không yêu thương cô ấy mà do cuộc sống quá vất vả, kinh tế gia đình khó khăn, áp lực đè nặng lên chúng tôi mỗi ngày.
Vợ tôi tuy chăm chồng, thương con nhưng lại là người đàn bà “lắm lời”, “cơm sôi” không biết “bớt lửa”. Gia đình tôi rơi vào khủng hoảng một thời gian dài, được sự động viên, hòa giải từ người thân, làng xóm, chúng tôi dần nhận ra vợ chồng cần phải cảm thông, chia sẻ với nhau nhiều hơn để giữ gìn, vun đắp cho mái ấm gia đình”.
Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tăng Thị Linh Chi cho rằng: “Để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình, ngoài nâng cao nhận thức cho nam giới thì việc trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức, vị thế của người phụ nữ cũng hết sức quan trọng. Nhiều chị em vẫn chưa có ý thức tự bảo vệ mình khi không lên tiếng về tình trạng bạo lực trong gia đình.
Nhưng tôi nghĩ, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Trước hết, họ phải là người “giữ lửa”, vun vén, tạo không khí vui tươi trong gia đình bằng những bữa cơm ngon, bằng hành động chăm sóc chồng con…
Không khí gia đình vui vẻ sẽ gắn kết tình yêu thương của các thành viên, từ đó, đẩy lùi những xung đột không đáng có”.
Bằng nhiều hình thức, thời gian qua, hội phụ nữ các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng, nâng cao nhận thức của phụ nữ trong việc xây dựng hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình.
Sự hoạt động tích cực của các CLB như “5 không, 3 sạch”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”… đã phát huy hiệu quả, góp phần vun đắp mái ấm gia đình của các hội viên.
Chị em, ngoài việc mạnh dạn lên tiếng khi là nạn nhân của bạo lực thì đã biết dung hòa các mối quan hệ trong gia đình, yêu chồng, chăm con nhiều hơn, từ đó, hạn chế được những xung đột.
Bạo lực chưa bao giờ là giải pháp để giải quyết những bế tắc, bất hòa trong cuộc sống. Chính vì vậy, tình yêu - thứ đã đưa hai con người xa lạ đến với nhau và tạo nên một gia đình sẽ là tài sản quý báu luôn cần được giữ gìn, vun đắp.