(GD&TĐ) - Trả lời phỏng vấn Báo GD&ĐT, ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định:
• Tỉnh Vĩnh Phúc không có chủ trương cấm học sinh có học lực yếu, kém tham dự các kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012.
• Có thông tin về việc cấm học sinh có học lực yếu kém dự thi ĐH, CĐ là hiểu nhầm việc các nhà trường tư vấn tuyển sinh cho HS.
• Vĩnh Phúc đang tích cực thực hiện chủ trương phân luồng sau THCS và THPT, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết về dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo. UBND tỉnh đã thông qua Đề án 5187, trong đó khuyến khích hỗ trợ học sinh tham gia các trường nghề.
* Thưa ông, những ngày qua dư luận quan tâm nhiều đến thông tin: Để thực hiện phân luồng sau THPT, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc chỉ đạo các trường THPT trong tỉnh không xác nhận hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm 2012 cho học sinh có học lực yếu kém. Vậy thực hư việc này thế nào?
Giám đốc Hoàng Minh Quân: Tỉnh Vĩnh Phúc không chủ chương cấm học sinh có học lực yếu, kém dự thi ĐH,CĐ |
* Giám đốc Hoàng Minh Quân: Tôi xin khẳng định, Tỉnh Vĩnh Phúc, Sở GD&ĐT không có chủ trương cấm học sinh tốt nghiệp THPT có học lực yếu kém tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 này. Do vậy cũng không có công văn nào chỉ đạo việc này. Quyền đi tham gia dự thi hay không là của học sinh. Những thông tin về việc, nhằm phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo cáo trường THPT không xác nhận hồ sơ dự thi của thí sinh là hiểu không đúng bản chất vấn đề.
* Như thông tin đưa ra, có những trường THPT đã đặt “rào chắn” như xét điểm trung bình chung qua các lần thi khảo sát để hướng học sinh dự thi vào các trường ĐH hay CĐ hoặc học nghề. Sở GD&ĐT cũng có công văn hướng dẫn về việc này?
* Giám đốc Hoàng Minh Quân: Như tôi đã nói ở trên, đây là việc hiểu không đúng bản chất của vấn đề. Tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương thực hiện quyết liệt việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết Về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012 – 2015. Tiếp đó UBND tỉnh cũng đã có Đề án Dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2020.
Với chức năng của mình, ngành GD&ĐT cùng tham gia thực hiện, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác hướng nghiệp – dạy nghề, phân luồng cho học sinh sau THCS và THPT, trong đó tuyên truyền trong toàn ngành, tập trung vào cấp THCS và THPT là những đối tượng chính. Đặc biệt vào dịp tuyển sinh ĐH, CĐ này, các trường đã đẩy mạnh việc tư vấn chọn trường cho học sinh, với các em có học lực giỏi các thầy cô giáo gợi ý cho các em chọn những trường phù hợp với sở trường của mình, với các em khá thì chọn trường vừa sức, còn những em có học lực trung bình hoặc yếu thì thầy cô giáo khuyên nên theo các trường CĐ nghề hoặc TCCN là thích hợp hơn cả. Tôi xin nhấn mạnh là việc này chỉ là tư vấn, các thầy cô giáo hoàn toàn dựa vào kết quả học tập cả năm của học sinh cùng với thi khảo sát đánh giá, để đưa ra lời khuyên đối với học sinh.
Còn thông tin Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có công văn chỉ đạo việc này cũng hoàn toàn không có. Thực chất đây là công văn số 176/CV-SGD&ĐT, V/v giới thiệu một số nội dung Đề án của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2020, trong đó Sở GD&ĐT có nhắc tới nội dung Đề án của UBND tỉnh là tuyên truyền, vận động, tổ chức để 30-35% học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề, ổn định khoảng 40-45% các năm sau đó.
Chất lượng bài thi tốt nghiệp THPT của học sinh luôn phản ánh đúng sức học của các em |
* Với tư cách là một người cha, người thầy và là nhà quản lý giáo dục ở một tỉnh còn nghèo, nhưng phong trào giáo dục được đánh giá là mạnh, luôn thuộc top đầu trên cả nước. Vậy quan điểm của ông về chủ trương phân luồng và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sau THCS và THPT nên như thế nào?
* Giám đốc Hoàng Minh Quân: Phân luồng học sinh sau THCS và THPT là chủ trương lớn của Nhà nước và ngành GD, nếu thực hiện tốt việc này sẽ là nền tảng quan trọng để cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực, tránh những lãng phí cho xã hội và cả người học.
Nhưng để thực hiện tốt việc này lại không dễ, quan điểm của tôi, khó thì càng phải cố mà làm. Trong đó trách nhiệm của ngành GD, của các nhà trường là hết sức lớn, các thầy cô giáo phải tư vấn cho học sinh hiểu sức học của mình để lựa chọn trường nào cho phù hợp. Như thế cũng là tránh lãng phí cho gia đình, bản thân các em và cho xã hội.
Với thực tế như ở Vĩnh Phúc, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết, UBND tỉnh đã có Đề án về dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2020. Với chức trách của mình, ngành GD, các nhà trường cần làm tốt việc tư vấn để học sinh hiểu về điều kiện, hoàn cảnh gia đình và thực lực của bản thân mà đưa ra lựa chọn chính xác, như vậy sẽ góp phần tích cực thực hiện phân luồng theo định hướng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà.
Nhân đây tôi cũng xin có lời khuyên đối với các em HS của tỉnh Vĩnh Phúc, thay bằng việc cứ lao vào thi các trường ĐH trong khi học lực còn kém thì các em có thể theo học CĐ, TCCN nghề, mà theo nội dung Đề án, các em sẽ được hỗ trợ nhiều nếu học CĐ nghề là 400.000 đồng/tháng, trung cấp nghề: 350.000 đồng /tháng, bổ túc văn hóa và nghề: 350.000 đồng /tháng (hỗ trợ thêm 100.000 đồng/tháng để mua sách vở, đồ dùng học tập với các đối tượng).
Bạch Ngọc Dư (thực hiện)