Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo xử nghiêm vụ phá rừng tại lõi VQG Phong Nha – Kẻ Bàng

GD&TĐ - Có hàng chục cây gỗ gỗ mun, nhiều loài cây gỗ quý khác như: táu, trâm, trơng, nang, bài lài, lội, bộp… tại hai tiểu khu 649-650 nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ước khoảng 35m3 đã bị khai thác để lại những bìa gỗ còn phần lõi đã được vận chuyển ra khỏi khu vực này.

Gỗ quý bị khai thác phần lõi còn lại phần bìa vỏ tại tiểu khu 649, 650 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Phong Nha - Kẻ Bàng
Gỗ quý bị khai thác phần lõi còn lại phần bìa vỏ tại tiểu khu 649, 650 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Phong Nha - Kẻ Bàng

Ngày 12/3, VP Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Bình vừa có văn bản số 1508CV/VPTU truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Đăng Quang về việc xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật khi xảy ra việc phá rừng tại các tiểu khu 649-650 nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng di sản Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc địa phận xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Một gốc cây có đường kính lớn bị đốn hạ (Ảnh TG)
 Một gốc cây có đường kính lớn bị đốn hạ (Ảnh TG)

Theo đó, vị trí phát hiện diện tích rừng bị phá này cách trụ sở của Đồn Biên phòng Cồn Roàng thuộc địa phận bản Coóc xã Thượng Trạch không xa. Các đối tượng phá rừng đã dùng chính con đường độc đạo để xâm nhập khai thác gỗ trái phép tại hai tiểu khu 649;650.

Tại tiểu khu 650 nằm cách không xa đường mòn có rất nhiều cây đã bị đốn hạ để làm đường đi, nhiều cây gỗ Mun có đường kính khoảng 50 – 80cm đã bị đốn hạ. Thân và ngọn khi bị cưa đổ đè xuống quần nát cả một vạt rừng rộng cả trăm m2.

Gỗ lõi đã bị cưa xẻ và vận chuyển ra ngoài. Cành, ngọn, mạt cưa, bìa được bỏ lại nằm ngổn ngang giữa rừng. Cách điểm này chỉ vài chục mét, 2 gốc gỗ mun và 1 gốc táu cũng bị triệt hạ. Cách xa hơn nữa trong rừng sâu, nhiều cây gỗ mun khác cũng trong tình cảnh tương tự.

Bìa vỏ của những cây gỗ bị khai thác để lại giữa rừng
Bìa vỏ của những cây gỗ bị khai thác để lại giữa rừng 

Theo nhận định, khu vực bị khai thác vào thời điểm trước tết Nguyên đán bởi các gốc cây bị cắt xẻ còn những dấu vết rõ ràng và đối tượng phá từng đã tận dụng tốt đường tuần tra biên giới đang thi công để vận chuyển gỗ lậu ra ngoài.

Đối với sự việc này, việc các đối tượng đã khai thác gỗ trái phép đều thuộc khu vực vùng lõi – phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được xác định là sự việc có tính chất cực kỳ nghiêm trọng bởi loài gỗ mun sọc vùng này thuộc nhóm IA nguy cấp và quý hiếm, cấm mọi hành vi khai thác, sử dụng.

Hiện lại Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã có báo cáo sự việc đối với các cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã vào cuộc để xác minh làm rõ và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ phá rừng này.

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ