Tình trạng bạo lực học đường: Nhà trường còn buông lỏng quản lý

Tình trạng bạo lực học đường: Nhà trường còn buông lỏng quản lý

Bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp

Đề cập vấn đề xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Xuân Thủy - giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân, dẫn số liệu của Bộ Công an cho biết: Từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019, lực lượng công an trên toàn quốc đã phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em (dưới 16 tuổi), với gần 8.600 đối tượng, xâm hại 8.091 em.

Tuy nhiên, số liệu thống kê tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục vẫn chưa được đầy đủ. Thời gian gần đây, những vụ xâm hại tình dục học sinh đang xảy ra ngay trong chính trường học và xuất phát từ một số giáo viên gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh, bố mẹ.

Đơn cử, một thầy giáo ở Trường Tiểu học Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) bị phụ huynh phản ánh có hành động không đúng chuẩn mực nhà giáo đối với một số học sinh. Khi vụ việc này chưa lắng xuống thì ngay sau đó, dư luận lại bàng hoàng với việc một thầy giáo ở Trường THPT chuyên Thái Bình nhiều lần nhắn tin “gạ tình” với một nữ sinh...

Về vấn đề bạo lực học đường đối với trẻ em, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra, một số cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và chính quyền địa phương các cấp còn buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu kiên quyết xử lý và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ việc.

Đối tượng xâm hại thể chất trẻ em trong các cơ sở giáo dục, chủ yếu là giáo viên, nhân viên trường học và chính các em học sinh bạo hành, xâm hại lẫn nhau. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học.

Ông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, xu hướng bạo lực từ một số thầy cô giáo đã ảnh hưởng đến tinh thần học sinh, làm các em không còn tin vào nhân cách người thầy, làm lệch lạc chuẩn mực đạo đức xã hội mà các em đã được lĩnh hội nhờ quá trình giáo dục.

Giảng viên Nguyễn Xuân Thủy

Việc thầy cô giáo có hành vi bạo lực với học sinh cũng có nguyên nhân từ áp lực công việc, do thiếu kiềm chế, không làm chủ được mình, thiếu kỹ năng ứng xử. Nhiều thầy cô giáo trút tức giận, bực bội lên đầu trẻ do chưa có kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng phân tích tâm lý dẫn đến bạo lực với học trò. Bạo lực nhà trường ảnh hưởng xấu đến học sinh, làm lệch lạc các chuẩn mực đạo đức ở các em.

Tạo môi trường giáo dục không hình phạt

Bàn về giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em nhìn từ góc độ khoa học giáo dục, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, dù xuất phát từ bất kỳ lý do nào đi chăng nữa, hiện tượng giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh có thể xem như một sự sa sút nhân cách nhà giáo, sự bất lực về khả năng sư phạm.

Luật Giáo dục đã có quy định nhà giáo không được “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”. Tuy nhiên trong nhà trường hiện nay xu hướng sử dụng hình phạt trong giáo dục còn chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm

Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục; cá biệt có một số vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, làm ảnh hướng xấu đến môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Để bảo vệ trẻ em tốt hơn trong trường học, ông Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hội đào tạo công tác xã hội nêu ý kiến: Cần tăng cường sự tham gia của nhà trường; nâng cao nhận thức của trẻ em về quyền trẻ em, đưa kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy. Môi trường nhà trường cần mang tính hỗ trợ và an toàn đối với trẻ. Giáo viên cần phải được đào tạo và hỗ trợ trong việc sử dụng các phương pháp kỷ luật tích cực.

Bên cạnh đó, thay đổi quan điểm rằng trừng phạt thể chất và tinh thần là cần thiết để nuôi dạy trẻ. Người chăm sóc nên có hiểu biết về những hình thức kỷ luật thay thế cho trừng phạt thể chất và tinh thần. Thay thế phương pháp quản lý hành vi của trẻ mà không dựa vào việc sử dụng trừng phạt. Bố mẹ nên là tấm gương tốt để con noi theo. Nên dạy trẻ cách cư xử đúng mực với thầy, cô giáo, hỗ trợ giáo viên trong việc sử dụng hình thức kỷ luật tích cực.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa

Thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, các bậc phụ huynh cũng cần phải nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động lành mạnh của trường, cộng đồng và xã hội tổ chức; không để con em bỏ học; không phó mặc, ỷ lại việc giáo dục con em mình cho nhà trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ