Tinh thần "hộ quốc an dân" của Phật giáo

Tinh thần "hộ quốc an dân" của Phật giáo

(GD&TĐ) - Sớm chót thu 28/10, trước cửa Nhà hát lớn 3-2 tỉnh Nam Định, đối diện với quảng trường Hưng Đạo Đại Vương đông đảo tăng, ni, phật tử cùng thấp thoáng những sư thày bận áo màu vàng, màu thâm. Nếu ai đó nghĩ rằng, đến với Phật giáo là không còn vướng bận bụi trần thì quả thật chẳng phải. Bởi tâm hướng của Phật luôn quan ý đến chúng sinh, mong cho người dân có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc.

Đức Phật dạy rằng: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Nên chẳng có gì lấy làm ngạc nhiên trong 3 năm qua, tỉnh Hội phật giáo Nam Định đã tích cực vận động tăng, ni, phật tử tham gia nhiều phong trào “tốt đời đẹp đạo”, trong đó có phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” và mô hình “Ba an toàn” về an ninh, trật tự với kết quả thực tán thán. 

Phụng đạo, yêu nước 

Từ trước đến nay, Nam Định vẫn được biết đến là vùng đất bao dung nhiều tôn giáo, trong đó có ba tôn giáo chính là Đạo Thiên Chúa, Tin Lành và Phật giáo. Theo Hòa thượng Thích Tâm Vượng, Phó tỉnh Hội Phật giáo Nam Định: Phật giáo du nhập và phát triển trên địa bàn Nam Định đến nay đã gần 2000 năm. Hiện toàn tỉnh có 818 ngôi chùa với hơn 700 tăng, ni, 20 vạn tín đồ đã quy y Tam Bảo. Trong đó có 60 ngôi chùa đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Kế thừa và phát huy truyền thống của Phật giáo với phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”, những năm qua giáo Hội Phật giáo tỉnh Nam Định đã có nhiều hoạt động đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ gìn an ninh, trật tự thông qua mô hình phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” và “Ba an toàn” ở địa phương. Thông qua mô hình, các tăng, ni, tín đồ phật tử đã nâng cao khả năng phòng ngừa tội phạm nhằm giữ gìn an ninh nơi cảnh vật, bảo vệ tài sản, tính mạng của tăng ni, tín đồ Phật tử và của nhân dân.

Trong các kỳ an cư kiết hạ, các lễ “bá tát”, ngoài việc thúc liễm thân tâm, tinh tiến đạo nghiệp, tu tập Giới – Định – Tuệ, các tăng, ni còn được tuyên truyền về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy. Qua đó giúp tăng, ni nắm vững được thủ đoạt hoạt động của tội phạm và phần tử xấu từ đó có biện pháp phòng ngừa, hóa giải. Các tăng, ni, tín đồ phật tử đã “cứu vớt chúng sinh, cứu khổ cứu nạn” bằng nhiều cách, trong đó cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị cho cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm, tội phạm của những con người lầm lỗi; giúp cho họ tâm sáng trở lại, hướng thiện. 

Các đại biểu về dự hội nghị
Các đại biểu về dự hội nghị

Bằng những hành động thiết thực 

Chùa chiền thường là nơi tịnh tu lâu đời với nhiều cổ vật luôn đứng trước nguy cơ bị trộm cắp. Chính bởi vậy, trong những năm qua, các tăng ni, phật tử ở Nam Định đã đề ra nhiều biện pháp để bảo vệ người và tài sản nhà chùa như: Chụp ảnh, đánh dấu đặc điểm riêng biệt, cất cổ vật vào nơi an toàn. Các chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa thì đồ thờ, cúng, cổ vật có giá trị đều được đăng ký quản lý theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước. Các chùa đều cắt cử người trông coi, bảo vệ. Chính vì vậy, những năm qua số lượng những vụ việc trộm cắp đồ thờ, cúng, cổ vật trong chùa ở Nam Định hiếm khi xảy ra.

Đóng góp vào kết quả giữ gìn an ninh, trật tự của tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Nam Định có lẽ phải kể đến công tác của Ban đặc trách Ni giới. Hiện nay, số Ni giới ở Nam Định chiếm khoảng 77%. Ngoài có những đóng góp quan trọng trong hoạt động Phật sự, Ni giới ở Nam Định còn tích cực tham gia giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng. Ni giới đi sâu đi sát tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của những chị em, gia đình ở địa phương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: có con hư, bỏ học, thất học, nghiện ngập; những gia đình không hoàn thiện, bạo hành trong gia đình… để khuyên giải, giúp đỡ làm vơi đi những khó khăn cho những gia đình gặp bất hạnh trong cuộc sống.

Bên cạnh việc tham gia phong trào giữ gìn an ninh, trật tự, các tăng ni, tín đồ phật tử tỉnh Nam Định còn tích cực tham gia công tác từ thiện. Những “Quỹ người khiếm thính”, “Quỹ học sinh nghèo vượt khó”, “Khuyến học khuyến tài”, “Xóa đói giảm nghèo”… thực sự đã cứu giúp cho nhiều chúng sinh vơi bớt tủi khổ, vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, giáo hội toàn tỉnh đã góp phần ủng hộ xây dựng 39 ngôi nhà Đại đoàn kết, trị giá hàng trăm triệu đồng tặng cho những gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn.

Không những vậy, dưới sự chỉ đạo của Ban trị sự Phật giáo Nam Định, Ban đại diện phật giáo các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh những năm qua còn trao học bổng cho 87 học sinh nghèo vượt khó, ủng hộ xe lăn cho người tàn tật, thường xuyên nuôi dưỡng gần một trăm cụ già không nơi nương tựa. Ban đại diện Phật giáo huyện Hải Hậu còn giúp đỡ bữa ăn tình thương tại Bệnh viện đa khoa huyện, khiến cho người nhà bệnh nhân vô cùng cảm phục, vượt qua những ngày tháng khổ tâm, thân thiếu. Những việc làm đó đã tô thắm thêm truyền thống của Phật giáo và truyền thống nhân ái của dân tộc. 

Trung tướng Tô Lâm tăng hoa chúc mừng hội Phật giáo Nam Định.
Trung tướng Tô Lâm tăng hoa chúc mừng hội Phật giáo Nam Định.

Mô hình cần được nhân rộng 

Có thể nói, Nam Định là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” và “Ba an toàn” trong hoạt động của Phật giáo. Phong trào đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, giúp cho nhiều người từ bỏ “tham, sân, si” hướng tới “chân, thiện, mỹ”, góp phần đẩy lùi cái ác, cái xấu trong xã hội.

Tới dự tổng kết 3 năm thực hiện phong trào“Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” và “Ba an toàn” ở Nam Định, Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an đã đánh giá, đây là mô hình hay, rất cần thiết phải được nghiên cứu để nhân rộng ra toàn quốc. Bởi hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện nay đất nước ta cần phải phát huy tốc lực về mọi ưu thế và sức mạnh nội lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống “hộ quốc, an dân” của Phật giáo cần phải được cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, chính quyền phối hợp với các hội Phật giáo có cách làm sáng tạo, phù hợp, hiệu quả như ở Nam Định.

 Lâm Bách

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ