(GD&TĐ) - Mấy ngày qua, tại các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, mực nước tiếp tục ở mức cao và trên báo động 3. Trước tình hình lũ đặc biệt lớn, nhiều héc ta lúa nơi đây đã mất trắng và hiện tại còn hàng trăm héc ta lúa có nguy cơ mất trắng. Khi lũ lên cao, uy hiếp lúa vụ 3 tại các huyện, thị đầu nguồn, cùng với các chiến sĩ công an và các ban, ngành khác trong tỉnh, lực lượng bộ đội địa phương và Quân khu 9 ngày lẫn đêm túc trực ngoài đồng, nơi những đoạn đê bao xung yếu đang bị lũ uy hiếp có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào.
Một buổi trưa đầu tháng 10, chúng tôi tìm đến đoạn đê bao Gò Bối (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng), tại đây dù trời đang nắng gắt nhưng lực lượng gia cố đê vẫn miệt mài cho đất vào bao, khuân vác, ngâm mình trong nước đóng nọc hàng ngàn cây bạch đàn để gia cố những đoạn đê xung yếu.
Ảnh st |
Binh nhì Nguyễn Văn Hái, Đồn Biên phòng 909 cho biết, những ngày nước lên nhanh, Hái cùng đồng đội làm từ sáng sớm đến tận gần 10 giờ tối, có khi bụng đói cũng phải ráng làm cho xong đến 11 giờ khuya mới ăn cơm. Những ngày trời mưa phải dầm mình làm suốt. Hái bảo “Đê bao được gia cố thêm, chắc chắn hơn, em thấy bà con mừng lắm. Trong những lúc bà con mình đang gặp gian khó, dù nguy hiểm đến bản thân, chiến sĩ chúng em cũng quyết tâm làm đến cùng”.
Trên đường trở ra tuyến quốc lộ 30 để xuôi về huyện đầu nguồn Hồng Ngự, chúng tôi tình cờ gặp đồng chí Phạm Thị Kim Phát, Bí thư xã Đoàn Tân Hộ Cơ đang mang bánh bao vào phục vụ bữa ăn trưa cho các chiến sĩ Đồn Biên phòng 909. Chúng tôi hỏi đồng chí Phát: Mấy hôm nay chắc bộ đội mình vất vả lắm? Đồng chí tươi cười và chỉ tay về phía cánh đồng lúa vụ 3 của xã đang xanh bạt ngàn nói: “Đó, 8 ngày trước khi bộ đội chưa về, bà con đã bỏ lúa, không bón phân, xịt dưỡng nữa. Thấy bộ đội ngày đêm gia cố đê, bà con mới yên tâm đi thăm đồng, chăm lúa”.
Những ngày đầu tháng 10, mặc dù nước lũ đã không lên thêm nhưng tình hình bảo vệ lúa vụ 3 đang trong giai đoạn “cong trái me” ở các khu ô bao của huyện Hồng Ngự vẫn căng như dây đàn. Có lúc một số đoạn đê bao bị sụp lún, cứ tưởng hàng ngàn công đất lúa của người dân xứ mất trắng. Trong lúc gian nguy nhất thì những chiếc áo xanh cùng ngâm mình trong dòng nước để đóng cừ tràm gia cố hàng chục kí lô mét đê bao xung yếu.
Thật sự xúc động khi nghe người dân xã Thường Thới Tiền kể: Hôm ấy trời mưa đường trơn, các bao cát, đất dùng để ém đê cũng bị trơn nên có một bao đất từ trên đê rơi xuống nước. Vậy là một chiến sĩ của Quân khu 9 phải lặn xuống nước vất vả kéo bao đất lên cho bằng được để đắp lại.
Ảnh st |
Chuyến đi lần này Trung đoàn Bộ binh 9, Sư đoàn Bộ binh 8, Quân khu 9 có 113 cán bộ, chiến sĩ cùng tham gia giúp dân gia cố đê bao tại tuyến đê Thường Thới Tiền - Thường Phước. Ngày đầu tiên lên tới địa điểm đóng quân là 17 giờ, đi đường xa thấm mệt, các chiến sĩ chưa kịp nghỉ ngơi, dùng cơm thì gặp đoạn đê bao xung yếu đang bị sụp lún. Ngay lúc này, cán bộ, chiến sĩ cùng bắt tay vào làm, quên cả đói khát, mệt nhọc. Ngày đầu tiên cùng bà con chống lũ, do không quen với thời tiết và chưa quen ngâm mình thường xuyên dưới nước nên đã có trên 30 chiến sĩ bị cảm sốt. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, các chiến sĩ này khỏe hẳn và hăng say lao vào công việc.
Thượng tá Nguyễn Quốc Minh, Phó Chính ủy Trung đoàn Bộ binh 9, Sư đoàn Bộ binh 8, Quân khu 9, cho biết: “Ban ngày các chiến sĩ khuân vác cát, cùng người dân gia cố đê bao không có thời gian ngủ trưa, có chăng là ngồi nghỉ tại đê bao được ít phút. Ban đêm thì cùng chia nhau đi tuần đê. Có khi toàn lực lượng phải thức trắng đêm để gia cố những đoạn đê sụp lún. Vất vả nhưng các chiến sĩ miệng vẫn cười rất tươi vì bộ đội đã giúp được bà con an tâm hơn trong những ngày nguy khó”.
Chia tay các chiến sĩ bộ đội một đoạn đường khá dài, nhưng từ xa, chúng tôi vẫn bắt gặp màu xanh của những chiếc áo lính đan hòa vào màu xanh của cánh đồng lúa bạt ngàn. Một mùa lúa vụ 3 của người dân đầu nguồn dù được hay mất nhưng với những người dân vùng biên này - họ cảm thấy thật sự ấm lòng khi các ngành, các cấp, trong đó có hình ảnh bộ đội ra sức giúp dân bảo vệ lúa.
Hữu Nghĩa