Tình nguyện xin ở lại dạy học vùng khó có được hưởng phụ cấp thu hút?

GD&TĐ - * Hỏi: Tôi là giáo viên trường tiểu học và đã có 7 năm dạy học ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn (KTXH - ĐBKK). Lẽ ra tháng 9/2018 tôi được điều động về trường thuộc vùng thuận lợi để dạy học. Tuy nhiên, tôi tình nguyện xin ở lại dạy học và đã được cấp trên chấp thuận. Xin hỏi, trường hợp của tôi sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút hay chuyển sang phụ cấp lâu năm? Trương Trọng Nghĩa (truongtrongnghia***@gmail.com)

Hướng dẫn học sinh đọc sách tại thư viện Trường Tiểu học Ngô Mây xã Ia Kla (huyện Đức Cơ, Gia Lai)
Hướng dẫn học sinh đọc sách tại thư viện Trường Tiểu học Ngô Mây xã Ia Kla (huyện Đức Cơ, Gia Lai)

* Trả lời: Theo thư bạn viết, bạn tình nguyện xin ở lại và được cấp trên chấp thuận; do đó bạn sẽ không tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút mà sẽ chuyển sang hưởng phụ cấp lâu năm.

Cụ thể theo Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ “Về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KTXH - ĐBKK” quy định: Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện KTXH - ĐBKK, nếu có thời gian đứt quãng thì được cộng dồn như sau: Mức 0,5 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm; Mức 0,7 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm; Mức 1,0 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc từ đủ 15 năm trở lên.

Như vậy trường hợp của bạn sẽ được hưởng phụ cấp lâu năm ở mức 0,5 so với mức lương tối thiểu chung.

Bạn cũng cần lưu ý: Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang thuộc đối tượng áp dụng của chính sách quy định tại Nghị định này, đồng thời thuộc đối tượng áp dụng của chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó. (Điều 3 Nghị định trên).

Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc – Báo Giáo dục & Thời đại: 29B, Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Email: bandocgdtd@gmail.com.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ