Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chúc mừng Đăk Nông đạt chuẩn PC THCS |
Sau gần 6 năm thành lập tỉnh, Đăk Nông đã dồn sức đẩy mạnh công tác phổ cập GD THCS. Đầu tiên là việc ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Nếu năm học (NH) 2003-2004 khi tỉnh mới ra đời, Đăk Nông chỉ có 174 trường với trên 105.000 học sinh (HS) tất cả các bậc học, thì kết thúc NH 2008-2009, tỉnh đã tăng lên 295 trường với gần 132.500 em (trong đó HS DTTS chiếm 33,4%). Một bước nhảy vượt bậc! Hơn 5 năm qua, bậc THCS có 95% số phòng học đã được xây dựng dạng kiên cố và bán kiên cố - tỷ lệ này năm 2004 chỉ đạt chưa tới 60%. Gần 70% trường THCS của tỉnh đến nay đã có công trình vệ sinh và nước sạch đạt chuẩn quy định. Từ nhiều nguồn vốn sau 5 năm (2005-2009), tỉnh đã trang bị cho các trường THCS của tỉnh gần 13 tỷ đồng mua sắm thiết bị trường học, đến nay 100% trường THCS và THPT của Đăk Nông có phòng học Tin học và dạy Tin học đầy đủ. Hiện nay, tỉnh vẫn còn 6 xã: Hưng Bình (Đăk R’ Lấp); Quảng Tâm (Tuy Đức); Đức Xuyên (Krông Nô); Nghĩa Phú – Nghĩa Đức – Nghĩa Thành (TX Gia Nghĩa) chưa có trường THSC…
Trong bộn bề gian khổ, hơn 5 năm qua, ngành GD Đăk Nông đã nỗ lực tột bậc đưa số giáo viên (GV) các bậc đạt chuẩn về bằng cấp chuyên môn trên 99,50% (trong đó tiểu học đạt trên 49% vượt chuẩn; gần 28% GV THCS và trên 5% GV THPT vượt chuẩn). Có thể nói thành tựu lớn nhất của GD Đăk Nông chính là ở lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho các thầy cô giáo. Về cơ bản đến nay tỉnh đã bố trí đủ về số lượng GV cho toàn ngành GD&ĐT. Đó là điều mà khi tỉnh chưa thành lập là điều ít người dám nghĩ đến!
Các em HS dân tộc bậc THCS ở Dăk Nông |
Lễ tổng kết chặng đường 10 năm vất vả lo cho công tác phổ cập GD THCS (2001-2010) của tỉnh Đăk Nông diễn ra trang trọng với sự có mặt của đoàn đại biểu Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dẫn đầu. Ông Bùi Quốc Huy – Bí thư tỉnh ủy và nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh ủy – HĐND – UBND, các sở - ban ngành của tỉnh, của 8 huyện – thị trong tỉnh và gần 200 đại biểu CB, GV trong tỉnh về dự.
Báo cáo tại buổi lễ, NGƯT TS Phan Văn Bé – Giám đốc Sở GD&ĐT Đăk Nông cho biết: Đến nay 4/8 huyện – thị của Đăk Nông đã đạt chuẩn phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi. Tổng số trẻ 6 tuổi đang học lớp 1 đạt 97,67%; Tổng số trẻ toàn tỉnh đã hoàn thành chương trình tiểu học trên 93%; Số trẻ đã tốt nghiệp THCS (kể cả bộ túc THCS) đến hết NH 2008-2009 đạt 98,44 %. Đặc biệt số thanh - thiếu niên của tỉnh từ 15-18 tuổi đến hết năm 2009 đã tốt nghiệp THCS và bổ túc THCS lên tới 82,13% Tổng số xã – phường – thị trấn toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia về phổ cập GD THCS đến cuối năm 2009 là 10/71 xã – phường – thị trấn…
Nói vậy, nhưng chưa phải là Đăk Nông đã hết những khó khăn lớn tưởng chừng như không thể vượt qua. Như huyện Đăk Glong mới kỷ niệm 5 năm thành lập (2005-2009). Huyện có 7 xã, thì 4 xã diện đặc biệt khó khăn, 21 thành phần các DTTS chiếm trên 70% dân số toàn huyện. Có không ít trường học – nhất là mầm non và tiểu học, các điểm trường phụ cách điểm trường chính 5-7 cây số, thậm chí 14-15 cây số đường khe núi, đèo dốc hiểm trở. Phòng học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm – thực hành chưa đủ, nói gì đến việc xây phòng ở công vụ cho GV cũng như lán trại nội trú cho học sinh. Có em cuốc bộ lội suối băng rừng mỗi ngày mười mấy cây số từ 5 giờ sáng đến 7-8 giờ tối mới về đến nhà. Bữa cơm trưa chỉ là gói cơm khô khốc với rau rừng nước tương (nhất là mùa mưa lũ tắc đường thì nhịn đói đi học là khó tránh khỏi)… Bất chấp tất cả, sau 5 năm (2005-2010) từ chỗ cả Đăk Glong chỉ có 13 trường, đến tháng 9/2010 số trường tăng gần 2,5 lần, lên tới 31 trường; Số HS các bậc học theo đó cũng tăng gần 3 lần ; tỷ lệ HS lưu ban và bỏ học chỉ còn dưới 2% mỗi năm (5 năm trước lên đến 7-8 % / năm)…
Nói về nỗi niềm của một GV đứng lớp kiêm nhiệm điều tra thống kê tình hình phổ cập GD THCS, thầy Đỗ Thành Đạo (trường THCS Lý Thường Kiệt xã Đăk N’Drung – huyện Đăk Song) cho biết: Có khi em phải cuốc bộ xuyên rừng mới tới buôn bon xa nhất xã. Vào tới nơi trưởng buôn cho biết các độ tuổi 11-16 theo mẹ vào rẫy hết rồi. Gặp được bà con thì họ không nhớ chính xác con cháu mình sinh năm nào, học lớp mấy. Có một số gia đình DTTS nói rằng họ có 6 người con, nhưng đối chiếu số liệu với công an xã thì được biết số con thực tế của họ là 10 đứa! Lại thêm, bà con các DTTS nhiều khi hộ khẩu ở buôn này – xã nọ, nhưng họ làm ăn nương rẫy xa ở xã khác, cả năm trời có khi không biết họ đang ở đâu… Ở phòng GD cũng khổ không kém. Vào mùa phổ cập GD là phải làm việc cả đêm đằng đẵng cả tuần, tới 11h đêm mới về tới nhà riêng. Tôi luôn tâm niệm: “muốn làm tốt và đạt hiệu quả trung thực, đúng nhiệm vụ được giao trong công tác phổ cập GD THCS, mỗi CB – GV chuyên trách công tác này phải biết quên mình, vì không ai làm thay mình được. Bà con các DTTS đang đói cơm khát chữ, thì làm sao mình có thể ngủ yên…”.
Cùng một tình cảnh và tấm lòng, cô Vũ Thị Kình – Phó hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn (huyện Đăk Mil) đã sáng tác mấy vần thơ khá xúc động:
“Tưởng rằng phổ cập cũng thảnh thơi
Ngờ đâu nan giải nhất trên đời
Điều tra khắp ngõ sao vẫn lệch
Gõ cửa từng nhà gõ khắp nơi
Cả trường lăn lộn vì phổ cập
Chuyển đến, chuyển đi, tên ở đâu?
Có tên danh sách - trò biến mất
Học trò có mặt phiếu đâu rồi…”
Những ngôi trường mọc lên ngày càng nhiều ở các huyện vùng xa giúp Dăk Nông thuận lợi trong công tác PCGD |
Chỉ đạo lại buổi lễ tổng kết công tác phổ cập GD THCS và công bố Quyết định của Bộ GD&ĐT công nhận tỉnh Đăk Nông đạt chuẩn phổ cập GD THCS ngày 29/9/2010 tại thị xã Gia Nghĩa, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển biểu dương nỗ lực to lớn của các cấp ủy Đảng – chính quyền – đoàn thể - bộ đội biên phòng và đặc biệt là công sức hết lòng vì sự nghiệp “trăm năm trồng người” của toàn ngành GD Đăk Nông - một tỉnh khó khăn nhất Tây Nguyên. Thứ trưởng yêu cầu tỉnh phải tiếp tục tuyên truyền, vận động, củng cố, duy trì kết quả phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi, nâng dần tỷ lệ huy động HS đi học, đẩy mạnh hiệu suất đào tạo, bám sát hơn nữa chủ đề năm học là “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD”; Chú ý đảm bảo tính bền vững kết quả phổ cập GD THCS ở những đơn vị đạt chuẩn. Tăng cường đầu tư mở rộng, nâng cấp mạng lưới trường THCS, các trung tâm GD thường xuyên, tạo cơ hội học tập thuận lợi nhất cho tất cả con em đồng bào DTTS vùng khó khăn; Quan tâm GD kỹ năng sống thiết thực cho HS, đẩy mạnh xây dựng “Trường học thân thiện – học sinh tích cực”; Chú ý công tác phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi…
Đinh Lê Yên