Tin tưởng kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc, an toàn

Tin tưởng kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc, an toàn

Đánh giá vai trò quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, cho biết: mục đích của kỳ thi là đánh giá mức độ học sinh lớp 12 đạt được chuẩn đầu ra (kiến thức và kỹ năng) của chương trình THPT, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh.

Phân tích ưu điểm nổi bật của kỳ thi, theo ông Nguyễn Minh Luân, thứ nhất là thực hiện ngay được Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục đại học (2018); kế thừa, phát huy kết quả, kinh nghiệm tốt của các Kỳ thi THPT quốc gia những năm trước, nhất là năm 2019.

Hai là, hình thức thi cũng giống như những năm trước đây, giảm áp lực, tốn kém đối với học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội trong bối cảnh các địa phương bị ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19. Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT, năm nay, thí sinh THPT thi 3 bài thi bắt buộc và 1 bài thi tự chọn; rút ngắn thời gian thi trong 2 ngày với 4 buổi thi, làm cho Kỳ thi gọn, nhẹ hơn các năm trước; đề thi sẽ được xây dựng phù hợp với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và nội dung chương trình tinh giản như Bộ GD&ĐT đã công bố.

“Theo Bộ GD&ĐT, thanh tra, kiểm tra của ba cấp Bộ, tỉnh, Sở được thực hiện ở tất cả các khâu của kỳ thi, tại các Hội đồng thi, điểm thi, phòng thi... của địa phương để bảo đảm tính trung thực, khách quan của kỳ thi. Công tác thanh tra, kiểm tra phải được tăng cường, theo nguyên tắc: Xác định rõ trách nhiệm trong công tác thanh tra/kiểm tra các khâu của kỳ thi đối với Bộ; UBND cấp tỉnh; Sở GD&ĐT (hình thức, đối tượng, nội dung, thành phần tham gia, tập huấn để thực hiện việc thanh tra/kiểm tra); Việc thanh tra/kiểm tra bảo đảm đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả và khả thi” – ông Nguyễn Minh Luân nhận định.

Ba là, Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh và chủ động hơn trong phương án tuyển sinh. Đây cũng là cơ hội để các trường khẳng định năng lực tự chủ, khả năng thích ứng với các thay đổi, tạo tiền đề để đổi mới công tác tuyển sinh ĐH, CĐ trong những năm tới.

Ông Nguyễn Minh Luân cũng nhắc đến phương án thanh tra, kiểm tra kỳ thi. Theo đó, năm nay, giảng viên các trường ĐH sẽ không tham gia coi thi, chấm thi, nhưng sẽ tham gia vào đoàn thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ những nhận định về phương án tổ chức thi tốt nghiệp năm nay, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nhắc đến việc lịch tổ chức Kỳ thi vào đầu tháng 8/2020 và Bộ GD&ĐT đã ban hành đề thi tham khảo phù hợp với tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như việc điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020.

Năm 2020, sẽ giao cho địa phương (UBND cấp tỉnh) chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương; tăng cường lực lượng thanh tra địa phương và UBND cấp huyện để tham gia Ban chỉ đạo và phối hợp tổ chức kỳ thi.

Qua đây thấy các tổ chức, lực lượng trong tỉnh với chức năng, nhiệm vụ đều tham gia phối hợp với ngành Giáo dục để tổ chức kỳ thi.

Về quy trình tổ chức các khâu in sao đề, vận chuyển, bàn giao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, theo ông Phùng Quốc Lập, vẫn đảm bảo quy trình chặt chẽ có sự giám sát của lực lượng thanh tra; lực lượng công an đảm bảo an ninh, bảo mật toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi; đặc biệt có camera an ninh giám sát tại phòng bảo quản đề thi, bài thi và phòng chấm thi.

“Với những nội dung đổi mới và quy trình tổ chức sẽ đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng của kỳ thi” - ông Phùng Quốc Lập khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ