Tín hiệu lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung

GD&TĐ - Trung Quốc hôm 19/6 lên tiếng bày tỏ hy vọng rằng có thể sẽ có kết quả tích cực trong đàm phán thương mại với Mỹ. Hai bên đã đồng ý nối lại đàm phán trước khi lãnh đạo hai nước gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật tuần tới.

Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại trước cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình
Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại trước cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình

Nối lại đàm phán trước cuộc gặp Trump - Tập

Quan hệ Mỹ - Trung đã nhen nhóm những dấu hiệu tốt trở lại khi Tổng thống Donald Trump thông báo trên Twitter hôm 18/6 rằng ông đã có cuộc điện đàm rất tốt với Chủ tịch Tập Cận Bình sáng cùng ngày, và hai người sẽ có “cuộc gặp mở rộng” nhân Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Osaka (Nhật Bản) trong các ngày 28 – 29/6. Ông nói thêm rằng các quan chức thương mại hai nước sẽ hội đàm từ trước đó. Cụ thể hơn, thông báo của Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm, ông Trump và ông Tập đã thảo luận “tầm quan trọng của việc tạo sân chơi bình đẳng cho nông dân, công nhân và doanh nghiệp Mỹ thông qua quan hệ kinh tế công bằng và tương hỗ”. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận “các vấn đề an ninh khu vực”.

Trung Quốc cũng đã lên tiếng khẳng định cuộc gặp này. Chủ tịch Tập Cận Bình nói Trung Quốc và Mỹ cần thúc đẩy “kết quả tích cực” tại Hội nghị G20 để “đem lại sự tự tin và sức sống cho thị trường toàn cầu” - Tân Hoa Xã cho biết.

Đàm phán giữa hai siêu cường kinh tế bị đình trệ từ tháng Năm vừa qua, khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc nuốt lời hứa và tăng thuế với số hàng hóa trị giá tới 200 tỉ USD của Trung Quốc. Trung Quốc cũng trả đũa Mỹ bằng cách tăng thuế khiến nhiều người cho rằng, hai nước đã tiến tới gần một cuộc chiến tranh thương mại. Tương tác giữa hai bên kể từ đó khá hạn chế, chính quyền Mỹ còn đe dọa áp thuế lên hàng hóa trị giá 300 tỉ USD khác của Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại.

Các biện pháp áp thuế của hai bên trong năm qua đã gây sức ép nặng nề với nền kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu và giới doanh nghiệp hai bên đều muốn tránh leo thang căng thẳng thương mại. Thậm chí khi trả lời kênh Fox News tuần trước, Tổng thống Mỹ còn nói rằng việc Chủ tịch Trung Quốc có dự G20 không “cũng chẳng thành vấn đề”. Trong bối cảnh đó, tuyên bố của ông Trump về cuộc gặp thượng đỉnh là khá bất ngờ với nhiều người.

Dấu hiệu lạc quan

Tin tức về nối lại đàm phán cũng như gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai bên đã đem lại phản ứng tích cực với chứng khoán châu Á. Sáng 19/6, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong tăng gần 2,6%, Chỉ số Phức hợp Thượng Hải tăng khoảng 1%. Chỉ số Nikkei của Tokyo đóng cửa tăng 1,7% và KOSPI của Hàn Quốc tăng 1,2%.

Song giới phân tích cảnh báo, sự phục hồi của thị trường có thể chỉ là tạm thời, bởi tiến bộ cụ thể về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể trong tương lai gần. “Các thị trường phản ứng tích cực với thực tế là ít nhất hai bên sẵn sàng nói chuyện về thương mại, cho dù đây có thể chỉ là cú hích ngăn hạn” - CNN dẫn lời nhà kinh tế Iris Pang của Công ty ING. Kênh CNBC cho biết thêm, các cựu quan chức, quan chức đương nhiệm của chính quyền Trump, các cố vấn thương mại cũng nói, cuộc gặp sắp tới của ông Trump và ông Tập không thể đem lại thỏa thuận thương mại, nhưng sẽ giúp dọn đường cho thỏa thuận đó.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường ngày 19/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng, việc tìm ra một giải pháp chấp nhận được với cả hai bên là rất quan trọng. “Tôi không cầm đèn chạy trước ô tô, song tương tác suốt 4 thập kỷ qua cho thấy hai bên có thể đạt được kết quả tích cực”. Ông Lục Khảng không nói chi tiết cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra ở đâu khi nào, mà chỉ nhấn mạnh rằng, thỏa thuận giữa hai bên “không chỉ tốt cho lợi ích của người dân hai nước mà còn đáp ứng mong mỏi của toàn thế giới”.

Về phía Mỹ, phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng tối 18/6, Tổng thống Trump cũng tỏ ra lạc quan hơn về việc đạt được thỏa thuận: “Tôi cho rằng chúng ta có cơ hội. Tôi biết Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận. Họ không thích tăng thuế và nhiều công ty đã rời Trung Quốc để tranh thuế”. Ông tiết lộ rằng các nhóm cố vấn gặp nhau từ 19/6 để “bắt đầu một thỏa thuận” và đó phải là một thỏa thuận “tốt cho tất cả”.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Nhiều doanh nghiệp đã thúc giục ông Trump chấm dứt chiến tranh thương mại. Tại Washington đang diễn ra các cuộc vận động công khai về tác động tiềm năng nếu áp thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc. Các công ty, từ các nhà bán lẻ tới công ty điện tử, đã kiến nghị lên bộ Thương mại Mỹ cảnh báo rằng tăng thuế thêm sẽ làm tổn thương việc kinh doannh của họ cũng như người tiêu dùng.

Nhưng cho dù có những động thái nối lại đàm phán, các bình luận gần đây cho thấy hai bên vẫn còn cách xa trong nhiều vấn đề, trong đó có những điểm gai góc như làm thế nào để thực thi thỏa thuận và làm thế nào để giảm thuế trở lại.

Thêm nữa, cả hai bên đều nhắc lại quan điểm lâu nay của họ: Mỹ kêu gọi thay đổi cơ cấu kinh tế Trung Quốc - từ vấn đề đánh cắp bản quyền, chuyển giao công nghệ bắt buộc, xâm nhập mạng, cách Bắc Kinh đối xử với doanh nghiệp Mỹ; trong khi đó Trung Quốc kêu gọi đối thoại thay vì tăng thuế.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói với báo chí Trung Quốc ra ngày 19/6: “Điều chủ chốt là thể hiện sự cân nhắc với những quan ngại hợp pháp của mỗi bên. Tôi cũng hy vọng rằng Mỹ sẽ đối xử với các công ty Trung Quốc một cách công bằng. Tôi đồng ý rằng đội ngũ kinh tế thương mại hai nước sẽ duy trì giao lưu về việc giải quyết các khác biệt là rất quan trọng”. Rõ ràng phát biểu của ông Tập là một phản ứng không hài lòng nhằm đến việc Mỹ tiến hành hàng loạt biện pháp trừng phạt Công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc gần đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ