(GD&TĐ) - Từ chủ nợ biến thành con nợ, vợ chồng ly tán, nhà cửa tan nát, nhiều người vướng vào vòng lao lý, thậm chí tìm đến cái chết như một sự giải thoát… Đó là kết cục nhãn tiền khi sập bẫy tín dụng đen. Mặc dù hoạt động này không mới lạ, dư luận và báo chí đã lên án và cảnh báo nhiều, song nhiều người tiếp tục lao vào khiến hoạt động tín dụng đen vẫn có đất để sống.
Lãi suất siêu khủng - đánh thức lòng tham
Với lãi suất trung bình khoảng 2 nghìn đến 3 nghìn đồng một ngày cho một triệu đồng tiền vay, ước tính một người nếu cho vay 100 triệu đồng thì mỗi tháng sẽ thu lãi từ 6 triệu đến 9 triệu đồng, gấp hàng chục lần lãi suất gửi tiết kiệm ở các ngân hàng nhà nước, bằng thu nhập cả tháng của một công chức lâu năm. Vì thế, chẳng có gì lạ khi nhiều người huy động tiền của gia đình, của anh em họ hàng, thậm chí cả tiền đi vay lãi để lấy vốn cho vay. Chỉ bằng một chữ ký trong một bản cam kết sơ sài không có giá trị pháp lý, họ mạo hiểm trao vào tay những ông trùm, bà trùm tín dụng đen hàng trăm, hàng tỉ thậm chí vài chục tỉ đồng để mong lãi mẹ đẻ lãi con, kiếm tiền nhàn nhã. Lòng tham đã lấn hết lý trí họ, biến họ thành những con thiêu thân trong canh bạc mà sớm muộn gì họ cũng là kẻ cháy túi.
Tạo vỏ bọc và sự tin cậy
Chị Hoa ở Mê Linh (Vĩnh Phúc) là kế toán trong một cơ quan nhà nước nhưng lại là một trong nhiều nạn nhân của bẫy tín dụng đen. Nghề nghiệp giúp chị hiểu và nắm rõ những thủ tục chặt chẽ liên quan đến tiền tệ, song chị lại cho vay số tiền lên đến 400 triệu đồng chỉ vỏn vẹn bằng một chữ ký của người vay trong một bản cam kết viết tay giữa hai người. Lý giải về việc này chị buồn rầu tâm sự: “Mặc dù biết giấy vay tiền này hoàn toàn không có giá trị pháp lý nhưng vì cho vay lãi cao là vi phạm pháp luật nên không thể có sự chứng nhận của cấp có thẩm quyền. Vẫn biết việc cho vay lãi là mạo hiểm nhưng mình quá tin tưởng vào người vay”.
Bà Cúc là chủ một đại lý bán xe máy ở ngay gần nhà chị, có biệt thự đẹp, xe hơi sang và rất cởi mở, hào phóng với mọi người trong khu phố. Mới đầu chị Hoa chỉ cho bà Cúc vay 50 triệu đồng, dần dà thấy bà ta trả lãi rất sòng phẳng và chưa một lần sai hẹn nên chị đã tin tưởng cho vay 100 triệu rồi đến 400 triệu đồng mà không chút mảy may nghi ngờ vì nghĩ rằng bà ta chỉ vay lãi để kinh doanh mặt hàng xe máy đắt tiền. Vả lại, nếu chẳng may công việc làm ăn của bà ta có đổ bể thì vài trăm triệu của chị có thấm tháp gì với khối tài sản kếch xù mà bà Cúc có.
Còn chị Tâm một nạn nhân của tín dụng đen ở Bắc Ninh trải lòng với chúng tôi: “Đã nghe trên đài báo nói rất nhiều về những trò lừa đảo từ tín dụng đen mà không ngờ mình lại vướng vào một cách chua sót đến như vậy. Người mình cho vay tiền là người mình luôn tin tưởng và coi như chị gái. Chị ấy là vợ một quan chức trong tỉnh, có hai cô con gái và một cậu con rể đều là nhân viên tín dụng ở các ngân hàng trong tỉnh.
Hồi mình làm nhà cần vay tiền ngân hàng, chị ấy đã nói với con gái để việc giải ngân của mình được nhanh chóng và giúp đỡ mình rất nhiều việc. Vì thế, khi chị ngỏ ý bảo đầu tư tiền cho khách vay đáo nợ ngân hàng thì mình hoàn toàn tin tưởng rút tiết kiệm 100 triệu đồng đưa cho chị, mong mỗi tháng thu vài triệu để chi trả việc học hành ngày càng nhiều của cô con gái mới đậu đại học.
Nghe chị ta nói có sự hậu thuẫn của con gái và con rể phụ trách mảng tín dụng trong ngân hàng nên cách cho vay của chị ta rất an toàn. Chị ta chỉ cho những khách hàng được ngân hàng chấp thuận cho đáo nợ. Họ cần vay nóng trong khoảng một tháng để trả tiền rồi lại được giải ngân vay lại. Mình không những yên tâm mà còn thấy rất biết ơn chị ta.”
|
Lòng tham và sự cả tin khiến nhiều ngườ sập bẫy tín dụng đen (ảnh minh họa) |
|
Bảo mật thông tin
Những trùm lừa đảo ngoài việc tung lãi suất khủng, tạo vỏ bọc và sự tin cậy còn tỏ ra rất có tài với việc bảo mật thông tin. Trường hợp chị Hoa kể trên, mặc dù hai nhà cùng dãy phố, ngày nào cũng đi qua đi lại nhưng chị Hoa không phát hiện dấu hiệu bất thường nào ở bà Cúc. Chỉ đến khi xuất hiện ông chủ mới tinh phụ trách đại lý xe máy của bà Cúc thì không những chỉ chị Hoa mà cả dãy phố đều ngã ngửa trước tin bà Cúc bỏ trốn.
Thì ra bà Cúc không phải vay tiền kinh doanh xe máy mà lừa đảo vay tiền của nhiều người, dùng chiêu lấy tiền của người vay sau trả lãi cho người vay trước, càng vay của nhiều người càng tốt đến khi hốt được một mẻ lớn thì ôm tiền trốn sang nước ngoài. Lúc này chị mới biết bà Cúc đã âm thầm chuyển nhượng khối tài sản kếch xù lúc nào không ai biết. Riêng cái dãy phố nơi chị ở có mấy chục gia đình mà có tới gần chục người là nạn nhân của bà ta.
Trường hợp chị Tâm ở Bắc Ninh khi kẻ vay tiền của chị bỏ trốn, chị mới được biết vợ chồng bà này đã ly dị nhau vài tháng nay, căn nhà mà bà ta được tòa giải quyết cũng đã được bà nhanh chóng bán cho người khác. Bà ta đã rất thành công khi khôn khéo không để lộ việc mình vay của nhiều người, khôn khéo che đậy mục đích vay thậm chí còn luôn thể hiện cho người khác thấy cuộc sống vương giả và hạnh phúc của mình nhằm tạo nên cái vỏ bọc an toàn và sự tin cậy cho những người dốc tiền cho bà ta.
Bằng những chiêu thức lừa đảo, ngụy trang tinh vi, bọn trùm tín dụng đen đã dễ dàng móc túi của rất nhều người nhẹ dạ cả tin hay đúng hơn tham lam. Hậu quả của những vụ sập bẫy tín dụng đen thì ai cũng biết: Từ chủ nợ biến thành con nợ, vợ chồng ly tán, nhà cửa tan nát, nhiều người vướng vào vòng lao lý thậm chí tìm đến cái chết như một sự giải thoát… Lòng tham của con người là nguyên nhân sâu xa khiến tín dụng đen vẫn có đất để sống.
Ngọc Anh