Theo giảng viên Nguyễn Thanh Huy, hầu hết các sinh viên không học chuyên ngành tiếng Anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cũng như làm tốt bài thi tiếng Anh theo chuẩn TOEIC.
Trong đó, kỹ năng sinh viên gặp nhiều khó khăn nhất là kỹ năng nghe hiểu, đặc biệt là phần thứ 3 và thứ 4 vì đây là những phần thi đòi hỏi sự nhạy bén cũng như khả năng nghe tốt và vốn từ vựng phong phú.
Nhiều sinh viên không đạt được số điểm như quy định nên phải tham gia thi lại nhiều lần, gây ảnh hưởng nhiều đến việc học các bộ môn khác.
Nguyên nhân, do sinh viên chưa có đủ vốn từ vựng cần thiết nên khi gặp các từ mới thường thụ động và không biết ý nghĩa của các câu hỏi là gì. Do đó, không thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
Bên cạnh đó, các bài nghe được đọc khá nhanh và có nhiều từ vựng tương đồng nên SV dễ bị nhầm lẫn trong việc chọn câu trả lời.
Cũng có nguyên nhân do sinh viên chưa đầu tư thời gian hợp lý cho việc học tiếng Anh và luyện thi TOEIC, một phần vì dành nhiều thời gian hơn cho việc học các môn chuyên ngành của mình. Mặt khác, các em chưa nắm được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ nói chung cũng như học TOEIC nói riêng...
Phương pháp tìm từ khóa trong giảng dạy kỹ năng nghe hiểu tiếng Anh theo chuẩn TOEIC cần thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Giảng viên yêu cầu sinh viên tìm từ khóa trong câu hỏi cũng như trong câu trả lời (Từ khóa sẽ tập trung vào Wh – questions và nội dung chính của câu hỏi hoặc câu trả lời).
Bước 2: Giảng viên yêu cầu sinh viên đưa ra ý nghĩa của các từ khóa đó.
Bước 3: Giảng viên nhấn mạnh tầm quan trọng của các từ này và yêu cầu sinh viên tập trung vào các từ khóa này khi nghe đoạn đối thoại hoặc đoạn nói ngắn. Đồng thời giảng viên yêu cầu sinh viên gạch dưới các từ mà họ nghe được để kiểm tra xem sinh viên có nghe được các từ khóa không.
Bước 4: Giảng viên yêu cầu sinh viên đưa ra câu trả lời và từ khóa nghe được.
Bước 5: Giảng viên đưa ra câu trả lời đúng, đồng thời giải thích đáp án; phát lại đoạn hội thoại và các từ khóa để sinh viên xác định đúng câu trả lời
Theo giảng viên Nguyễn Thanh Huy, qua việc áp dụng phương pháp này, sinh viên lựa chọn được các câu trả lời chính xác hơn, mở rộng được vốn từ vựng.
Đồng thời, rèn luyện được kỹ năng skimming and scanning để áp dụng vào kỹ năng đọc – hiểu. Ngoài ra, đây là phương pháp khá đơn giản, tất cả các sinh viên đều có thể làm được.
Phương pháp nói trên cũng có thể áp dụng hiệu quả trong trường hợp câu hỏi hoặc câu trả lời dài và có nhiều từ vựng phức tạp