Nội dung số 10 của Nghị quyết Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn nhấn mạnh: "Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới".
Nghị quyết không đề cập đến chuyện giữ môn học này độc lập hay tích hợp như những gì đã được dư luận và các đại biểu Quốc hội làm nóng lên trước đó.
Để thống nhất về chuyên môn trong việc thiết kế môn Lịch sử, ngày 7/12 vừa qua, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có cuộc thảo luận quan trọng với Hội khoa học lịch sử Việt Nam dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo trung ương và đạt được tiếng nói chung.
Theo đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Hội khoa học lịch sử Việt Nam thống nhất về việc dạy và học môn Lịch sử theo phương pháp tích hợp ở bậc Tiểu học. Ở bậc Trung học cơ sở, hai bên thống nhất sẽ bỏ tên gọi môn Khoa học xã hội như trong dự thảo chương trình của Bộ GD&ĐT.
Có hai phương án cần tiếp tục thảo luận về mối quan hệ giữa Lịch sử, Địa lý và phần tích hợp.
Với phương án 1, sẽ có 3 môn là Lịch sử, Địa lý và phần tích hợp giữa 2 môn, tương ứng với phương án này là 3 quyển sách giáo khoa.
Phương án 2 là xây dựng môn học tích hợp có 2 phân môn Lịch sử và Địa lý riêng, cộng với các chuyên đề tích hợp, tương ứng với 1 quyển sách giáo khoa chung.
Ở bậc THPT, tất cả học sinh đều phải học Lịch sử bắt buộc và môn Lịch sử sẽ không tích hợp trong môn Công dân với Tổ quốc. Bộ sẽ xem xét để có môn học Giáo dục công dân.
Như vậy, có thể thấy, đến thời điểm này, các bên đều đã bày tỏ sự hài lòng khi tìm được tiếng nói chung trong việc thiết kế môn Lịch sử ở cả 3 cấp học. Sau rất nhiều dư luận về môn Lịch sử, cuối cùng thì câu chuyện này cũng đã có hướng giải quyết.
Nhưng một phương án cuối cùng cho việc thiết kế môn Lịch sử sẽ không phải là sự nhượng bộ từ bên này hay bên kia, cũng không phải là một giải pháp trung hòa về quan điểm giữa Bộ GD&ĐT và Hội khoa học lịch sử.
Bởi xét cho cùng, đối tượng quan trọng nhất mà những người thiết kế môn học này phải hướng đến, đó chính là học sinh, những người sẽ phải học, phải hiểu, phải yêu và tự hào về lịch sử Việt Nam.