Cả Cơ quan Đặc nhiệm Malaysia - Cơ quan điều tra hàng đầu của nước này và các cơ quan tình báo tại Mỹ, châu Âu đều không loại trừ khả năng các nhóm chiến binh có thể liên quan đến vụ mất tích của máy bay.
Tờ Strait Times của Singapore dẫn nguồn tin chính phủ Mỹ cho hay, giới chức Malaysia đã nhắc đến bằng chứng chứng tỏ có khả năng tấn công đối với chiếc máy bay mất tích.
Tuy nhiên bằng chứng này không đủ lớn và các vấn đề về kỹ thuật hoặc vấn đề xuất phát từ phi công có khả năng là nguyên nhân khiến máy bay mất tích cao hơn.
“Không có bằng chứng cho thấy có hành động khủng bố” - Strait Times dẫn nguồn tin châu Âu cho hay. Người này cũng cho biết chưa có “giải thích về điều gì đã xảy ra đối với máy bay”, cũng như chưa biết máy bay ở đâu.
Trong khi đó hàng chục tàu và máy bay từ 10 nước vẫn đang quần đảo các vùng biển quanh Malaysia và phía Nam Việt Nam để tìm kiếm máy bay mất tích, khi nghi vấn về lỗ hổng an ninh ngày một tăng cao.
Interpol hôm Chủ nhật đã xác nhận ít nhất 2 hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp và cho biết đang kiểm tra những người khác để phát hiện thêm trường hợp dùng hộ chiếu giả.
Mặc dù vậy, một nguồn tin của Mỹ cho biết giới chức Malaysia vẫn đang xem xét giả thuyết máy bay bị tấn công. Quan điểm của họ chủ yếu dựa vào bằng chứng điện tử cho thấy máy bay có thể đã quay trở lại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia trước khi biến mất. Song bản thân bằng chứng cũng chưa được khẳng định rõ ràng.
Theo hai nguồn tin thân cận với cuộc điều tra, một lý do nữa là máy bay đã không liên lạc tự động được với hệ thống theo dõi dữ liệu chuyến bay sau khi biến mất khỏi màn hình radar. Điều này có thể giúp cho các nhà điều tra xác định điều gì đã xảy ra.
Máy bay được trang bị máy tính có khả năng tự động trao đổi với mặt đất qua những thông điệp ngắn được gọi là ACARS. “Không có tín hiệu nào từ ACARS từ thời điểm máy bay biến mất" - Nguồn tin liên quan đến cuộc điều tra cho biết.
Về khả năng máy bay phát nổ trên không, Mỹ cũng đã xem xét kỹ hình ảnh do các vệ tinh do thám chụp và nhận định không có bằng chứng.