Tìm thấy dấu vết tế bào ung thư trong hóa thạch một triệu tuổi

Một phát hiện mới cho thấy ung thư xuất hiện trên đoạn chân 1,7 triệu tuổi và đốt sống 2 triệu tuổi của tổ tiên loài người.


Mẩu xương sống cổ đại 2 triệu tuổi bị ung thư (phần màu hồng). Ảnh:sajs.co.za.
Mẩu xương sống cổ đại 2 triệu tuổi bị ung thư (phần màu hồng). Ảnh:sajs.co.za.

Ung thư có lẽ không phải một căn bệnh thời hiện đại. Mặc dù chúng ta vẫn nghĩ rằng nó xuất phát từ thói quen xấu, tuổi thọ kéo dài hoặc do kém may mắn, các nhà khoa học đã khám phá ra dấu vết ung thư trên tổ tiên loài người cách đây hàng triệu năm.

Trước đó, khối u "già" nhất được tìm thấy mới chỉ 120.000 năm tuổi.

Theo CNN, nhóm khoa học từ Đại học Witwatersrand và Trung tâm Khoa học Nam Phi đã có phát hiện đột phá trên. "Chúng tôi so sánh mẩu xương chân từ thời tiền sử với xương chân người hiện đại và chúng giống hệt nhau", Edward John Odes từ Đại học Witwatersrand cho biết. "Hàng triệu năm đã trải qua mà bạn không hề thấy sự khác biệt".

Câu hỏi đặt ra là suốt thời gian đó, tại sao ung thư lại không thay đổi theo quá trình tiến hóa sinh học? Các nhà nghiên cứu chưa thể đưa ra câu trả lời. "Những gì chúng tôi biết là ung thư đã tồn tại từ rất lâu", Odes giải thích.

Giới khoa học vốn ngầm giả định rằng tổ tiên loài người không bị ung thư. Giờ đây, với bằng chứng vừa được khai quật, hiểu biết về nguồn gốc cũng như diễn tiến của ung thư đã hoàn toàn thay đổi. "Nghiên cứu này đã đem đến cái nhìn mới về ung thư", Patrick Randolph-Quinney từ Đại học Central Lancashire nhận định.

"Ung thư là một vấn đề lớn, kéo dài. Kể cả khi vô cùng khỏe mạnh với lối sống khoa học, chúng ta vẫn có nguy cơ mắc ung thư. Đó là một phần trong quá trình tiến hóa của nhân loại".

Đội ngũ chuyên gia tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu quá trình phát triển của ung thư thời cổ đại với hy vọng áp dụng vào điều trị ngày nay.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ