Tìm thấy đam mê

Tìm thấy đam mê

(GD&TĐ) - Nguyễn Năng An sinh năm 1987, là giảng viên trẻ của Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Thầy giáo An được nhiều học trò yêu quý bởi sự gần gũi, cởi mở trong cách dạy và hiểu tâm lý của sinh viên. Ít ai biết rằng, để trở thành thầy giáo như ngày hôm nay, An đã từng là học sinh có học lực yếu.

Những năm tháng mải chơi

Hồi tiểu học, An chỉ có lực học bình thường, không có gì nổi trội trong lớp. Lên đến cấp 2, An vào học lớp 6D, một lớp học có nhiều thành phần học sinh cá biệt, sức học yếu kém. Mang tiếng là học trò nghịch ngợm nhưng An thích hát và thích môn Văn vì chúng gần gũi với tâm hồn lãng mạn của An. Có thể An học không giỏi nhưng cậu vẫn mơ ước có ngày sẽ trở thành thầy giáo.

Học kỳ 2 năm lớp 7, có một đoàn sinh viên sư phạm tới trường An thực tập. Lớp của An có hai cô và một thầy giáo phụ trách. Thời gian thực tập của các thầy cô không nhiều, ngày cuối cùng chia tay thầy giáo An đã rớt nước mắt, buồn so. Trong cuốn sách giáo khoa môn Văn ngày ấy, An vẫn nhớ dòng chữ thầy viết lưu niệm lại cho mình “Chúc Năng An luôn năng học, chăm ngoan!”. Từ ngày đó, An cũng bớt theo chúng bạn nghịch ngợm hơn.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Năng An đứng thứ hai từ trái sang
Thầy giáo trẻ Nguyễn Năng An đứng thứ hai từ trái sang
 

Sang đến đầu năm lớp 9, chuẩn bị cho giai đoạn thi tốt nghiệp chuyển cấp, An bắt đầu thấy sợ vì thành tích học tập quá bết, lại liên tục nằm trong tốp học sinh yếu. Năm đó, lớp 9D được cô giáo Vinh, một cô giáo nổi tiếng dạy giỏi Toán trong trường đứng lớp. Cô nghiêm khắc nhưng rất thương học trò. Ở lớp phụ đạo cô rất hay động viên An. An học kém vậy nhưng không hiểu sao từ ngày được học với cô An thấy thích học Toán hơn cả Văn. Có lần cô hỏi An: “An muốn sau này làm nghề gì?” An nhìn cô ngượng ngập nói “ Cô đừng cười em nhé, em thích làm giáo viên cô ạ!”. “Một ước mơ đẹp, em phải cố gắng thì mới biến ước mơ thành hiện thực được. Dù em có trở thành giáo viên dạy bất kì môn học nào, hãy luôn nhớ việc dạy học trò thành người còn quan trọng hơn việc dạy trò học giỏi”. 

Lội ngược dòng

Lên cấp 3, An vào học hệ B Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội). Đang là một cậu bé nghịch ngợm, An thay đổi tính cách, cậu sống kép kín, trầm tính hơn hẳn. Khác với lũ con trai cùng lớp, An vùi mình trong sách vở vì những lời nói của các thầy cô giáo hồi cấp 2 vẫn luôn ùa về nhắc nhở An đừng từ bỏ ước mơ của mình. 

 An hạ quyết tâm phải thi đỗ đại học. Hành trình biến ước mơ thành hiện thực ấy bắt đầu bằng việc An phải lấy lại kiến thức căn bản đã hổng trước đó. Nghĩ là làm, cậu tìm đến các hàng sách cũ mua lại sách giáo khoa, sách bài tập của ba môn Toán, Lý, Hóa của lớp 8, 9. Suốt 3 năm liền cấp 3, An luôn đứng đầu lớp về Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, được thầy cô quý mến và trở thành cán sự lớp giúp đỡ bạn bè trong học tập. Các bạn trong lớp hồi đó ai cũng bảo rằng: “Cậu giảng còn dễ hiểu hơn cả thầy giáo”. Lời nói đùa vui ấy lại là động lực phấn đấu để An càng cố gắng hơn. Cũng có những lúc mải học quá, An quên mất bạn bè, khi đó có bạn còn cho rằng, An chảnh chọe học giỏi nên kiêu. Lần khác, An lại làm mất lòng bạn vì hứa đi chơi cùng rồi lại thôi. 

Nhớ lại những năm tháng học trò này, An cũng công nhận ngày đó không hiểu sao bản thân có thể vượt qua nhiều cám dỗ như thế. Bây giờ, mỗi lần họp lớp An đều cởi mở, tự tin với các bạn. Bạn bè trong lớp cũng nhìn An bằng ánh mắt khác. Họ đều cho rằng, ngày xưa An đã biết sống đúng thời điểm, biết đặt việc học là mục đích chính nên hôm nay An đã thành công.

Câu chuyện của thầy giáo trẻ Năng An cho thấy, không phải cứ là học sinh cá biệt, nghịch ngợm thì sau này lớn lên sẽ không thành người. An đã may mắn khi có những thầy cô, bạn bè luôn ủng hộ, động viên trong quá trình biến ước mơ thành hiện thực. Và điều không thể phủ nhận là bản thân chúng ta phải luôn biết đấu tranh với hoàn cảnh, có ý chí tiến thủ để vươn lên. An tự nhận xét rằng: “ Quá trình tích lũy để thực hiện được giấc mơ của mình tuy lặng lẽ nhưng con đường đầy những vấp ngã ấy đã khiến mình thực sự tìm thấy đam mê và trưởng thành nhanh chóng”.

Lê Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ