Tìm sự cân bằng trong cuộc sống

GD&TĐ - Con người sống trong xã hội hiện đại chẳng khác nào đi dưới cơn giông bão, nếu không đứng vững thì rất có thể bạn sẽ bị gió cuốn bay. Làm thế nào để lấy lại thăng bằng và bước tiếp? Điều này làm trăn trở cả những nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vấn đề này.

 Mỗi ngày chúng ta có quá nhiều việc cần phải giải quyết, liệt kê từng công việc cụ thể đã cảm thấy “chóng mặt”.
Mỗi ngày chúng ta có quá nhiều việc cần phải giải quyết, liệt kê từng công việc cụ thể đã cảm thấy “chóng mặt”.

Những cách giải tỏa thú vị

Cùng trao đổi về vấn đề này còn có sự chia sẻ của một số nhân vật, mà công việc và cuộc sống của họ có lẽ cũng đã từng trải qua cảm giác mất cân bằng. Họ có quan niệm như thế nào về một cuộc sống cân bằng, giải pháp và xu hướng tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống của họ như thế nào?

Theo họa sĩ Phạm Chính Trung, cân bằng là sự hài hòa giữa các mối quan hệ. Ông chia sẻ: "Tìm sự cân bằng trong cuộc sống là một vấn đề lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực bởi vì lĩnh vực nào cũng cần đến sự cân bằng. Cân bằng giữa lý trí và tình cảm, giữa gia đình và xã hội, giữa thu và chi, giữa được và mất…

Trong tự nhiên thì có cân bằng sinh thái, trong nghề nghiệp của tôi thì phải tìm ra sự cân bằng trong nghệ thuật và thương mại… Nếu nói cho hết các lĩnh vực thì có nhiều vấn đề để bàn luận nên tôi chỉ nghĩ là một cuộc sống cân bằng là cuộc sống mà mọi người phải giải quyết một cách hài hòa các mối quan hệ đó.

Mỗi người có cách riêng của mình để tìm đến sự cân bằng, không ai giống ai. Tôi tìm đến sự cân bằng cho tôi bằng cách giải quyết hài hòa các mối quan hệ gia đình và xã hội, giữa nghệ thuật và thương mại. Với xã hội, tôi là một công dân tốt, một giảng viên có trách nhiệm. Đối với gia đình, tôi dành nhiều thời gian để ở bên và cùng chia sẻ mọi việc.

Với nghệ thuật, tôi là họa sỹ nên tôi coi sáng tác là công việc chính của mình, nhưng nếu chỉ sáng tác mà không quan tâm đến việc thị trường có chấp nhận hay không thì điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lao động nghệ thuật của mình, không bán được tranh thì sẽ không có kinh phí để đầu tư, như vậy là không cân bằng. Theo tôi, tạo được sự cân bằng trong mối quan hệ này là rất khó".

MC Diễm Quỳnh lại cân bằng cuộc sống bằng cách không đặt ra mục tiêu quá lớn. Chị tâm sự: "Xét từ góc độ một phụ nữ, cân bằng là sự hài hòa giữa công việc và gia đình, giữa sự quan tâm đến những người xung quanh và quỹ thời gian chăm sóc bản thân. Cân bằng là khi mình biết hài lòng, không chán nản kêu than, không ao ước hão huyền, và từ đó luôn vui vẻ yêu đời, ngay cả khi khó khăn ập đến.

Đối với tôi, để sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong cuộc sống thì cần tăng vận động, đi bơi, tập yoga , belly dance, đi du lịch ngắn ngày sau những công việc căng thẳng, lau dọn nhà cửa cho ra mồ hôi, đây cũng là một dạng vận động có ích cho cả tinh thần nữa.

Để giữ được trạng thái cân bằng thì tinh thần cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Tôi luôn suy nghĩ tích cực, không đắm mình trong những lo lắng ít lối thoát, nghĩ đến những điều tốt đẹp, đặc biệt không đặt ra những mục tiêu quá lớn để bị rơi vào tình trạng thất vọng.

Những lúc rảnh rỗi, tôi cũng thích trò chuyện với bạn bè để xả stress, chơi và học bài với con. Nhiều người do bận rộn nên quên giải trí, tôi nghĩ thay bằng ngủ nướng hết ngày thứ 7 thì dậy sớm đi bơi, đi xem phim sẽ là phương pháp tốt để refresh tinh thần".

Đó là những cách giải tỏa khá thú vị, nhưng trong cuộc sống, hoàn cảnh và đặc thù công việc của chúng ta không giống nhau. Mỗi khi phải nhắc đến cụm từ “tìm sự cân bằng trong cuộc sống” có nghĩa là cán cân giữa nhu cầu cá nhân và công việc của bạn đang bị chênh lệch. Trong mỗi người, ngoài những nhu cầu cá nhân và công việc thì kèm theo đó là rất nhiều sở thích và niềm đam mê khác.

Cuộc sống cân bằng là điều xa xỉ?

Luôn suy nghĩ tích cực, không đắm mình trong những lo lắng ít lối thoát, nghĩ đến điều tốt đẹp,... cũng là những cách hay để cân bằng cuộc sống.

 Luôn suy nghĩ tích cực, không đắm mình trong những lo lắng ít lối thoát, nghĩ đến điều tốt đẹp,... cũng là những cách hay để cân bằng cuộc sống.

Tất nhiên ở đây chúng ta không đề cập đến những đối tượng lười biếng và những kẻ sống “ký sinh”. Những người đang làm việc chăm chỉ vì mục đích tiến thân, vì gia đình và vì xã hội mới là đối tượng được “nhắm” đến bởi họ là những người có nguy cơ mất cân bằng cao nhất.

Mỗi chúng ta đều có những sở thích, những giá trị, những điểm mạnh khác nhau, nên sẽ không có chuyện “một món phù hợp cho tất cả” trong việc giải quyết sự cân bằng trong cuộc sống và công việc. Điều gì quan trọng đối với bạn? Gia đình, bạn bè, nghề nghiệp, thời gian thư giãn, thể thao, công việc từ thiện, những sở thích?

Mỗi ngày chúng ta có quá nhiều việc cần phải giải quyết, liệt kê từng công việc cụ thể đã cảm thấy “chóng mặt”. Rất may, 24 là con số chẵn nên nếu bạn là người giỏi tính toán thì việc phân chia nhu cầu cá nhân và công việc trong ngày cũng không phải là quá khó. Nhưng trên thực tế, công việc hàng ngày của bạn không theo một giới hạn hay khuôn mẫu nào.

Có khi bạn không thể kiểm soát được khoảng thời gian để hoàn thiện một công việc nào đó. Cũng có khi bạn phải ngồi lại cơ quan đến nửa đêm để giải quyết rất nhiều rắc rối xung quanh công việc.

Thời gian thì cứ trôi đi, công việc vì thế mà cũng không thể chậm trễ. Đáng lẽ ở thời điểm đó bạn đã trở về ngôi nhà của mình, cùng gia đình thưởng thức những món ăn ngon, cũng có thể được ngồi xem những chương trình hấp dẫn trên ti vi hay chỉ đơn giản là được đi dạo mát đâu đó để tìm lại cảm giác thư giãn, tiếp thêm năng lượng cho ngày hôm sau…

Khi những nhu cầu cá nhân không được đáp ứng trong một thời gian dài thì cơ thể của chúng ta lập tức sẽ phản ứng. Nếu làm việc quá nhiều, bạn sẽ cảm thấy không đủ thời gian và sức lực cho những niềm vui, và nhận ra cuộc sống của mình đang ở mức “quá tải”.

Nhà văn Dạ Ngân từng trăn trở: "Liệu có một cuộc sống cân bằng cho nhà văn không? Tôi từng nghĩ, chao ơi, thời Vũ Trọng Phụng và Nam Cao khó sống thế nên nhà văn thời đó viết từ rất trẻ và viết rất nét, rất sâu. Dần dần tôi nghiệm ra hình như không phải như vậy. Thời nào cũng có những vấn đề nhức nhối của thời đó và nếu có tự do thì các thế hệ nhà văn sẽ không kém cạnh nhau.

Chính những vấn đề hàng ngày của xã hội đã làm cho nhà văn luôn thấy mất cân bằng. Nói một cách khác, sự nhạy cảm nghệ sĩ đã khiến cho người cầm bút không lúc nào ăn ngon ngủ yên. Vì vậy mà ở những nước văn minh, vẫn đều đều sinh ra nhà văn lớn.

Không thể có xã hội lý tưởng, không bao giờ có công bằng và bác ái triệt để, vì vậy, nhà văn không hy vọng sẽ có cuộc sống cân bằng theo quan niệm thông thường. Những nhà văn vững thần kinh sẽ tự thu xếp cuộc sống riêng một cách tương đối để tồn tại, những nhà văn quá mẫn cảm thì hay tìm đến rượu hoặc chán nghề.

Tôi đã có một từ trường văn chương sinh động trong ngôi nhà của mình nên chúng tôi có thể giải toả với nhau mọi bức xúc vui buồn của người viết. Đó là sự tìm kiếm của tôi và cũng là mồ hôi nước mắt của tôi để tạo dựng nó. Vấn đề là "cơm áo không đùa với khách thơ", nhiều khi công việc viết văn bị lép đi để nhường cho việc viết báo để sống, để phản biện và để phát ngôn những điều mình cần lên tiếng nhanh".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.