Tìm quản lý giỏi cho bệnh viện

GD&TĐ - Mô hình dân số, cơ cấu bệnh tật thay đổi cộng với những vấn đề phát sinh trong bệnh viện gây bức xúc dư luận thời gian qua cho thấy, kỹ thuật cao, điều trị tốt chưa phải tất cả. 

Tìm quản lý giỏi cho bệnh viện

Để dung hòa khâu điều trị, dịch vụ trong bệnh viện cần người quản lý giỏi để điều hành. Bộ Y tế đang hướng đến việc tìm người quản lý cho bệnh viện, cho dù quy trình bổ nhiệm hiện nay còn nhiều rào cản.

Công bằng trong tính viện phí

Sau 2 lần tăng viện phí, hiện mức phí mới chỉ áp dụng với những người có thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp còn lại khi khám, điều trị vẫn tính giá cũ.

Cách làm này theo lý giải của liên bộ Y tế - Bảo hiểm xã hội là để không tạo cú sốc cho người chưa có thẻ đồng thời cho họ thời gian để mua thẻ.

Tuy nhiên, trong dự thảo mới đây, Bộ Y tế cũng đã đưa ra lộ trình tăng phí dịch vụ với đối tượng chưa có thẻ. Dự kiến, từ 1/1/2017, viện phí của người không có bảo hiểm sẽ tăng khoảng 30% và đến 1/7/2017 sẽ tăng 50% so với hiện nay.

Đây cũng là mức giá của nhóm có bảo hiểm, tuy nhiên, người bệnh không có thẻ sẽ phải thanh toán 100%. Do vậy, có những ca bệnh điều trị thậm chí chi phí lên đến con số hàng trăm triệu đồng.

Với mức viện phí này sẽ có không ít dịch vụ tăng 2 - 3 lần. Hiện người không có thẻ khi khám sẽ phải trả 20.000 đồng/lượt khám ở bệnh viện hạng 1; bệnh viện hạng 2 là 15.000 đồng, bệnh viện hạng 3 là 10.000 đồng và 7.000 đồng với bệnh viện hạng 4.

Đến tháng 7, tiền khám sẽ tăng lên lần lượt là 39.000 đồng; 35.000 đồng, 31.000 đồng và 29.000 đồng. Tiền khám có tăng nhưng dù không có thẻ vẫn có thể chấp nhận được.

Nhưng nếu không may bị bệnh nặng, phải nằm giường điều trị hồi sức tích cực ở bệnh viện hạng đặc biệt, phải phẫu thuật mà ê kíp càng nhiều người thì chi phí người bệnh phải bỏ ra trả trực tiếp sẽ càng lớn.

Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), việc tăng phí dịch vụ với đối tượng chưa có thẻ nhằm đảm bảo công bằng giữa mọi người.

Nếu người không có thẻ do hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ phí mua bảo hiểm. Bộ Y - Tài chính có hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách đang cấp tiền lương cho các bệnh viện hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia bảo hiểm. Nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh phải bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo của tỉnh.

Các bệnh viện cũng sẽ sử dụng một phần chênh lệch thu chi lập Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh, hỗ trợ các trường hợp có khó khăn trong chi trả viện phí.

Không chỉ cần chuyên môn

Người bệnh khi vào viện phải trả nhiều tiền hơn, thậm chí số lượng bệnh nhân sẽ quyết định sự sống còn của mỗi bệnh viện, như vậy, ngoài yếu tố chuyên môn, người bệnh cũng đòi hỏi nhiều hơn từ phía bệnh viện trong việc chăm sóc, cung cấp dịch vụ liên quan.

Trước thực trạng dân bỏ tiền tươi thóc thật ra khám theo yêu cầu mà cũng khổ chẳng kém bảo hiểm, dự thảo mới đây của Bộ Y tế tính đến việc quy định khu vực khám theo yêu cầu, mỗi bác sĩ khám không quá 35 bệnh nhân/ngày.

Phòng bệnh theo yêu cầu phải đảm bảo 10 loại thiết bị y tế, 10 loại thiết bị sinh hoạt và nhân lực bao gồm bác sĩ, điều dưỡng trực 24/24 giờ và bảo vệ chung cho cả khu vực. Giá phòng theo yêu cầu loại đắt nhất tại bệnh viện công lên tới 1,2 - 2,4 triệu đồng/phòng.

Trong bệnh viện công, đối tượng phục vụ chủ yếu vẫn là người có bảo hiểm. Do vậy, số giường dịch vụ sẽ bị khống chế (dưới 10%/tổng số giường) để tránh tình trạng các bệnh viện lập lờ giường bảo hiểm -giường dịch vụ trong cùng một phòng bệnh hoặc bệnh nhân có bảo hiểm phải nằm ghép giường để kê giường dịch vụ nhằm tăng thu nhập cho bệnh viện.

Rõ ràng, bệnh viện trong bối cảnh hiện tại khác xưa rất nhiều. Người bệnh là người trả lương cho nhân viên y tế, bỏ tiền ra mua dịch vụ nên họ cũng khắt khe, khó tính hơn trong việc lựa chọn nơi khám - điều trị.

Để dung hòa lợi ích của bệnh nhân, bệnh viện, cần một lãnh đạo có khả năng quản lý và điều hành mọi vấn đề chứ không riêng gì điều trị như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ đã tính đến phương án tìm quản lý giỏi cho bệnh viện. Theo đó, giám đốc bệnh viện thay đáp ứng yêu cầu phải có học hàm và học vị (tùy hạng cơ sở y tế, như bệnh viện tuyến Trung ương yêu cầu giám đốc phải có học vị tiến sĩ), thì Bộ Y tế đang có chủ trương để các bệnh viện thí điểm thuê giám đốc điều hành (CEO), giám đốc không cần phải là giáo sư, tiến sĩ mà yêu cầu là giỏi về quản lý y tế và điều hành bệnh viện.

Đây là cách nhìn mới của người đứng đầu ngành trong việc đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng bệnh viện trong điều kiện hiện nay.

Cho dù ý tưởng trên còn vướng do các quy định hiện hành (quy hoạch cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm… chuyển sang thuê) nhưng đã lỗi thời nên cần phải thay đổi cho phù hợp với xu thế, nhu cầu của người bệnh, xã hội.

Giá viện phí tăng 2 lần trong năm 2016 nhưng chưa áp dụng với người không có thẻ bảo hiểm. Từ 1/1/2017, người không có thẻ sẽ phải chi trả như người có thẻ do phí dịch vụ tăng dần.                                                                                                                                 Hiện cả nước còn trên 20% dân số chưa tham gia bảo hiểm. Tăng viện phí là cú hích để người dân quan tâm đến bảo hiểm sức khỏe cho mình. Người khó khăn sẽ tiếp tục được hỗ trợ dưới nhiều hình thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ