Tìm nguyên nhân hàng loạt công trình xây dựng bị sập giàn giáo

Trong những năm qua, hàng loạt công trình xây dựng do nhiều nguyên nhân khác nhau đã xảy ra những tai nạn thương tâm gây chấn động dư luận.

Tìm nguyên nhân hàng loạt công trình xây dựng bị sập giàn giáo
Tim nguyen nhan hang loat cong trinh xay dung bi sap gian giao - Anh 1

Nhân lực lao động nước ta dồi dào nhưng cho ngành xây dựng lại có vấn đề

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến nguyên nhân người sử dụng lao động và người lao động đã không thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn lao động khi thực hiện. Sau những vụ tai nạn lao động, theo báo cáo về sự cố của các công trình xây dựng trên, đa số vụ sập giàn giáo là do thi công không đạt chất lượng.

Tim nguyen nhan hang loat cong trinh xay dung bi sap gian giao - Anh 2

Liên tiếp xảy ra các vụ sập giàn giáo, một phần lỗi do chính các công nhân chưa được đào tạo một cách bài bản trước khi bước vào công trình

Những nguyên nhân chính

Mới đây nhất là công trình đang được thi công tại công trường xây dựng trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) bị sập giàn giáo khiến 6 người nguy kịch, hay trước đó là vụ sập giàn giáo tại công trình trung tâm thương mại ở Sài Gòn làm nhiều người bị thương. Các sự cố công trình liên quan đến giàn giáo gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cần quan tâm hơn nữa đến công tác an toàn thi công xây dựng, đặc biệt là an toàn lắp dựng giàn giáo.

Chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới, anh Hoàng Thế Lực - Giám sát xây dựng tại Công ty Kiến trúc và nội thất Nhà Việt khẳng định: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố sập giàn giáo, trong đó có yếu tố công tác thiết kế, lắp đặt và khai thác sử dụng giàn giáo không đảm bảo an toàn. Ví dụ như giàn giáo không được tính toán, thiết kế theo quy định, vật liệu chế tạo giàn giáo không đúng quy cách...

Thậm chí, không ít nhà thầu, nhà đầu tư còn sử dụng cả giàn thô sơ như gỗ, cây chống cong quẹo, cũ kỹ; việc lắp đặt giàn giáo chủ yếu theo kinh nghiệm, không kiểm tra chặt chẽ. Công nhân sử dụng trọng lượng trên giàn giáo không đúng theo quy trình hoặc có sự vượt tải trọng cho phép trong quá trình thi công. Khâu sử dụng công nhân không được đào tạo qua ngành xây dựng cũng là một vấn đề đáng lưu ý ở hầu hết các công trình xây dựng trên cả nước khi mà nhu cầu xây dựng các tòa nhà càng cao do sự phát triển về dân số, anh Lực cho hay.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) phân tích có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, nhưng chủ yếu vẫn do người sử dụng lao động và người lao động không ý thức được sự nguy hiểm, mất an toàn trong các công trình, cũng như chưa chấp hành đầy đủ nội quy an toàn. Đó là chưa kể đến đa số các công nhân xây dựng thường không được học, đào tạo qua các lớp cơ bản về xây dựng mà chủ yếu người lao động chân tay được lấy từ vùng quê. Họ có nhu cầu lao động, khi vào các công trình chỉ được hướng dẫn sơ qua và đưa vào làm việc. Điều này sẽ dẫn đến sự thiếu kinh nghiệm, yếu kém trong khâu quản lý, giám sát, tuyển dụng, đặt ra bài toán cho ngành cần đào tạo nhiều hơn nữa các công nhân lành nghề để đáp ứng được tối đa nhu cầu sử dụng lao động ngay trong nước.

Giám sát xây dựng được đánh giá là công đoạn phải thực hiện xuyên suốt, liên tục để kịp thời phát hiện ra những sai sót, yếu kém trong quá trình thi công. Đội ngũ giám sát công trình phải là những người có sự hiểu biết kỹ để nhanh chóng phát hiện ra những lỗ hổng trong quá trình thi công., nhưng ngay cả khâu giám sát cũng có vấn đề.

Đó là những nguyên nhân cơ bản gây nguy cơ mất an toàn trong xây dựng. Để tránh được những sự việc đáng tiếc, và đảm bảo chất lượng công trình, các nhà thầu cần đầu tư nghiêm túc một giàn giáo có chất lượng, tuyệt đối không được cẩu thả trong quy trình này; đào tạo tay nghề đàng hoàng cho công nhân; giám sát thi công thường xuyên và tích cực.

Đào tạo nghề: cung không đủ cầu

Trong lĩnh vực xây dựng hiện nay, một trong những bức xúc của các chủ tư nhân đứng ra nhận thầu công trình có quy mô nhỏ là tình trạng thiếu lao động triền miên. Thậm chí, có những nhà thầu khi sát Tết Nguyên đán, nhu cầu lao động gia tăng đã phải gấp rút kêu gọi anh chị em, người nhà của các công nhân ở quê lên làm các công trình cho kịp tiến độ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Thế Lực cũng cho hay có rất nhiều công nhân do không có trình độ tay nghề, công nhân từ các vùng nông thôn ra thành phố làm, cứ làm được vài tuần lại xin nghỉ về quê cả tuần, thậm chí sau Tết, công nhân ở quê chơi tới hết tháng giêng mới rục rịch trở lai công trường, các công trình xây dựng hầu như bị đình trệ.

Trả lời câu hỏi về vấn đề đào tạo nhân lực trong các trường dạy nghề hiện nay, một vị lãnh đạo Trường cao đẳng Nghề Licogi (Tổng cục Dạy nghề) cho rằng mặc dù hằng năm trường đều có giới thiệu, tư vấn tuyển sinh các ngành nghề xây dựng và thời gian học từ 6-9 tháng nhưng rất ít học viên. Thậm chí, với nghề thợ nề (thợ xây), mỗi mùa tuyển sinh cũng chưa có đủ 1 lớp nên trường phải khuyên họ học ngành khác.

Tại Trường Cao đẳng nghề Sông Đà, ông Vũ Đình Quỳ hiệu trưởng cho biết mỗi năm trường đào tạo được khoảng 1.500 học viên nhưng chưa năm nào tuyển sinh nổi một lớp chuyên về nề.

“Mỗi năm, nước ta có khoảng 4,5 vạn lao động cần qua đào tạo nghề, nhưng nhân lức cho lĩnh vực xây dựng ít được chú trọng quan tâm. Làm công nhân xây dựng hiện giờ khá vất vả. Ngoài ra thái độ của xã hội hiện ngày càng không coi trọng nghề này, vô hình trung khiến những người trẻ, nhất là thanh niên ở thành phố chẳng thiết tha với nghề xây dựng” - ông Quỳ chia sẻ.

Trả lời về thực tế nhu cầu lao động ở các doanh nghiệp trong nước, ông Tào Bằng Huy - Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết chất lượng lao động của công nhân Việt ngày càng được nâng cao. Riêng ngành xây dựng cần một lực lượng lao động vào loại nhiều nhất. Tính đến năm 2020, lao động ngành xây dựng sẽ phải khoảng 5 triệu người, đây là con số thách thức các trường đào tạo nghề hiện nay.

Theo Một Thế Giới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ