Hà Nội sẽ có 1 trung tâm và 5 đô thị vệ tinh
Theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do tư vấn trình bày tại Hội nghị, trong tương lai tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ là thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại trên nền tảng phát triển bền vững.
Hà Nội sẽ là biểu tượng cho cả nước, đóng vai trò là trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, trung tâm lớn của quốc gia về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, một trung tâm du lịch và giao dịch quốc tế có tầm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ đô Hà Nội sẽ là nơi có môi trường sống tốt, sinh hoạt, giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi, gồm đô thị trung tâm hạt nhân, 5 đô thị vệ tinh, đô thị trực thuộc và các đô thị sinh thái, các thị trấn…
Các ý kiến đều nhất trí với quy hoạch không gian và việc lựa chọn mô hình đa cực, đô thị vệ tinh và đô thị đối trọng, khu vực đô thị lõi với việc bảo tồn, tôn tạo và cải tạo phát triển, trong đó Hồ Gươm được xác định là công trình đặc sắc về không gian và kiến trúc. Một loạt các quy hoạch Hà Nội phía Bắc sông Hồng, đô thị sinh thái, các làng mạc nông nghiệp, nông thôn và 5 đô thị vệ tinh đã nhận được sự tán thành và nhất trí cao.
Với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là sự khớp nối giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng với tầm nhìn 2050 cần được xem xét kỹ, lấy ý kiến của nhân dân, tiếp tục hoàn thiện, làm cơ sở cho hướng đi của Hà Nội.
Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Phạm Quang Nghị. |
Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Chúng ta phải đồng thời giải quyết, tìm ra được lời giải tối ưu và cuối cùng phải đạt được sự đồng thuận, tạo dựng Thủ đô có được bản sắc, thể hiện được sự kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa và đặc điểm của đô thị truyền thống Việt Nam với văn minh hiện đại trên thế giới”.
Năm 2030, Hà Nội sẽ không còn tắc nghẽn giao thông
Theo định hướng chiến lược phát triển đến năm 2030, Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ không còn tắc nghẽn giao thông. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hòa, hợp lý, hiện đại. Lúc đó, tổng sản phẩm trong nước hàng năm đạt 9 -10% vào thời kỳ 2011-2020 và 7,5% - 8,5% vào thời kỳ 2021-2030.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: "Đây có thể nói là đề án hết sức quan trọng, định hướng phát triển Hà Nội những năm tới, đây cũng chính là tuyên bố của Đảng bộ Thành phố với trong nước và thế giới về hình ảnh Hà Nội trong thời gian tới".
Đề án của UBND Hà Nội cũng xác định một số đột phá chiến lược: xây dựng mô hình quản lý đô thị. Hiện đại hóa, văn minh hóa gắn với xây dựng mô hình quản lý đô thị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả cao đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính.
Ngoài ra, Hà Nội xác định phải hiện đại hóa và đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng đô thị đi cùng với phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhanh chóng phát triển các đô thị vệ tinh để tạo những không gian phát triển mới và giảm áp lực cho đô thị trung tâm. Một số biện pháp chính được đưa ra là đổi mới mô hình tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả. Xây dựng được đội ngũ lãnh đạo, những người hiền tài và tinh hoa từ cấp thành phố cho đến cơ sở.
Đề án cũng kiến nghị thành lập cơ quan chuyên trách về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng. Người lãnh đạo cao nhất Thủ đô trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về xây dựng, quản lý quy hoạch và tổ chức các nguồn lực thực hiện chiến lược.
Đề án cũng chỉ ra nguyên nhân những mặt hạn chế của thành phố thời gian qua được xác định là do thiếu chiến lược và quy hoạch mang tính dài hạn, đồng bộ và tổng hợp. Hà Nội chưa có mô hình và phương thức hợp lý, hiệu quả để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chậm thể chế hóa pháp lệnh Thủ đô bằng hệ thống các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho Thủ đô.
Chuỗi đô thị vành đai 4 chỉ xây cao tầng
Về việc chuyển dân cư phố cổ ra khỏi trung tâm, ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, phố cổ Hà Nội được xây dựng qua nhiều giai đoạn. Hiện, chúng ta vẫn còn lung túng trong việc bảo tồn, kể cả đối với những tòa nhà do Pháp xây dựng trước đây. Không ai có quan điểm cực đoan là phá đi làm lại mà chấp nhận để lại hiện tại về mặt kiến trúc, không cho phép xây dựng cao tầng nữa, hoặc đục lõi tam giác phố cổ, tăng cây xanh thì đem lại giá trị hiện hữu hơn.
Còn di dân phố cổ ra khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) hiện chưa thấy sự biến động lớn. Bởi các dự án đối xử với khu phố cổ là phải đảm bảo được quyền lợi của người ta hay không? Di như thế nào còn liên quan tới thương mại: họ có được buôn bán hay không, chung cư có siêu thị hay không…
Ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng |
Toàn bộ chuỗi đô thị vành đai 4 dự kiến chỉ xây cao tầng. Cư dân các khu cũ sẽ chuyển bớt ra đó. Nhưng tại sao hiện tại họ chưa ra, bởi không có tính thuyết phục. “Anh” chưa làm được khu nào thỏa mãn bằng hoặc hơn không chỉ về nhà mà còn cây xanh, chỗ thể dục thể thao, vui chơi giải trí, phải có cả cơ hội kiếm sống thì người ta mới ra. Hiện Thủ tướng chỉ đạo giảm chiều cao trong nội đô, đồng nghĩa giảm mật độ.
Theo kế hoạch, cuối tháng 4, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức triển lãm Đồ án tại triển lãm Vân Hồ để lấy ý kiến nhân dân; báo cáo, xin ý kiến Quốc hội vào tháng 6 trước khi báo cáo Bộ Chính trị; sau đó tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng ký duyệt chính thức vào khoảng tháng 8 - 9. |
“Theo chúng tôi chỉ nên cho triển khai những dự án về sinh thái ở giữa đô thị trung tâm và chuỗi đô thị. Nơi đây có nhiều cây xanh mặt nước, không nên xây dựng dự án với mật độ cao và chuyển dân cư từ trong này ra theo từng giai đoạn khác nhau. Trên thế giới đã có vành đai xanh ở một số nước đã làm như Thủ đô Washington (Mỹ), Paris (Pháp) đi qua cả cánh rừng, có khi chỉ 1km rồi tiếp tục đến đô thị. Nếu lõi mà đẩy ra hết thì kín đặc mất. Hiện Thủ đô Tokyo thất bại ở lẽ đó” – ông Nguyễn Đình Toàn nhấn mạnh.
Trần Nhật